Theo Eating Well, một nghiên cứu năm 2025 trên 45.000 người cho thấy những người uống cà phê (trung bình 1,7 cốc mỗi ngày) có lượng mỡ nội tạng thấp hơn đáng kể so với những người không uống cà phê. Các chuyên gia từ lâu cũng tin rằng khả năng tăng cường trao đổi chất của caffeine là lý do chính khiến cà phê có thể thúc đẩy giảm cân. Một số nghiên cứu đã chứng minh cà phê có thể làm tăng tỷ lệ trao đổi chất từ 5% đến 20% trong ít nhất ba giờ sau khi tiêu thụ. Tuy nhiên, để tối ưu những hiệu quả nói trên, cần uống cà phê đúng cách, tránh những thói quen sau đây:

Axit chlorogenic và cafestol có trong cà phê là hai chất chống oxy hóa có thể giúp giảm mỡ nội tạng, cải thiện số đo vòng eo.
1. Uống cà phê quá muộn trong ngày
Uống cà phê quá muộn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn bằng cách khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu, nguyên nhân do caffeine tác động đến hệ thần kinh và có thể kéo dài trong nhiều giờ. Giấc ngủ rất quan trọng đối với việc phòng ngừa bệnh tật, cải thiện tâm trạng, khả năng tập trung và chức năng miễn dịch. Ngoài ra, chất lượng giấc ngủ kém cũng gây mất cân bằng nội tiết tố, khiến cơ thể có xu hướng tích mỡ nhiều hơn và khó kiểm soát chế độ ăn trong ngày hơn, do đó, nên ngừng uống cà phê ít nhất 6 giờ trước khi đi ngủ để tối ưu chất lượng giấc ngủ.
"Hãy chuyển sang dùng cà phê không chứa caffeine sau 14h hoặc trong các trường hợp bạn cần giữ tỉnh táo vào nửa sau của ngày", Melissa Prest - chuyên gia của Viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn kiêng, Mỹ, gợi ý.
2. Uống cà phê không lọc (unfiltered coffee)
Chiết xuất cà phê bằng bình French Press hay đun trong Ibrik (cà phê Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc Espresso đều được xếp vào nhóm cà phê không lọc. Nhược điểm của cách chiết xuất đậm đà này có thể khiến mức cholesterol LDL tăng cao khi uống thường xuyên do không loại bỏ được lượng dầu có trong cà phê, để lại hàm lượng diterpene cao, đặc biệt là kahweol và cafestol. Những chất này đều có thể làm tăng mức chất béo trung tính và mức cholesterol LDL.
Đổi lại, chọn cà phê chiết xuất qua giấy lọc hoặc túi lọc sẽ giúp loại bỏ những chất này, hạn chế gia tăng mức cholesterol xấu.
3. Thêm nhiều đường, sữa vào cà phê
Thêm quá nhiều sữa đặc, sữa tươi có đường hoặc các chất tạo ngọt vào tách cà phê có thể làm tăng tổng lượng đường, tổng lượng calo nạp vào cơ thể. Thói quen tiêu thụ nhiều đường sữa không chỉ gây tăng cân, tích mỡ, tăng nguy cơ béo phì mà còn kéo theo tình trạng viêm mãn tính, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường huyết, huyết áp. Lượng đường dư thừa cũng làm mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và có thể làm trầm trọng thêm nhiều triệu chứng bệnh lý.
Thay vào đó, hãy tạo thói quen uống cà phê đen hoặc cà phê đen pha loãng (americano), hạn chế các chất tạo ngọt hoặc ưu tiên sử dụng sữa hạt, chất tạo ngọt tự nhiên như mật ong, mật hoa dừa,...

Thêm đường, sữa vào cà phê làm 'độn' thêm nhiều calo cho thức uống này.
4. Uống cà phê ngay khi thức dậy vào buổi sáng
Thời điểm uống cà phê tối ưu dựa trên nhiều yếu tố cá nhân như tốc độ chuyển hóa caffeine của mỗi người, tuổi tác, đặc tính công việc, loại cà phê cụ thể, tình trạng sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng... Do đó sẽ không có khung giờ cố định nào phù hợp cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, giống việc uống cà phê sát giờ ngủ, uống cà phê ngay khi vừa thức dậy cũng không được khuyến khích. Thói quen này có thể ảnh hưởng đến adenosine, một chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng đến nhịp sinh học và chu kỳ ngủ - thức.
Để hạn chế ảnh hưởng này, Debbie Petitpain - phát ngôn của Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng - khuyên nên uống tách cà phê đầu tiên sau khi thức dậy từ 60 - 90 phút. "Trong lúc đó hãy uống nước lọc, tận hưởng chút ánh sáng tự nhiên và vận động nhẹ nhàng để cơ thể tỉnh táo một cách tự nhiên", Debbie gợi ý.
5. Uống cà phê thay bữa ăn
Một số người uống cà phê thay bữa ăn, dù là để giảm cân hay theo sở thích cá nhân thì đều không được khuyến khích. Cà phê có thể giúp giảm cân và giảm mỡ hiệu quả hơn dựa vào cơ chế sinh nhiệt và tăng tốc quá trình trao đổi chất nhưng nó không chứa đủ chất dinh dưỡng để thay thế bữa ăn. Nên uống cà phê sau bữa ăn, như bữa sáng, để có lợi cho quá trình trao đổi chất và kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Uống cà phê khi bụng đói có thể đẩy nhanh quá trình hấp thụ caffeine, giúp bạn tỉnh táo ngay lập tức, tuy nhiên, thức uống này có tính axit, với độ pH từ 4,8 đến 5,1 nên có thể làm tăng nguy cơ kích thích axit trong dạ dày, gây ợ nóng, cảm giác nôn nao. Do đó, nên ăn sáng hoặc ăn nhẹ với các món giàu protein trước khi uống cà phê.
Duk Sun (Theo Health)