Số liệu trên vừa được hải quan công bố. Theo đó, hạt thông là một trong 30 sản phẩm ở nhóm quả và quả hạch có mức tăng trưởng đột biến nhất. Loại này được xuất khẩu sang các thị trường châu Âu - nơi người tiêu dùng ưa chuộng vì cho rằng tốt cho sức khỏe.
Số liệu xuất khẩu của hạt thông mới được hải quan ghi nhận trong hai năm gần đây, nhưng cho thấy giá trị tăng nhanh. Kim ngạch hiện còn khiêm tốn so với các nông sản chủ lực, mặt hàng này vẫn vươn lên ngang hàng với nho, cam, mãng cầu và dâu tây - những loại trái cây vốn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Trước đây, nông dân thường bỏ đi những quả thông rụng, chỉ dùng để trang trí hoặc làm đồ lưu niệm. Nay khi nhu cầu tăng cao, hạt thông xuất hiện tại các chợ, cửa hàng thực phẩm khô, nguyên liệu làm bánh, thậm chí được bán nhiều trên các sàn thương mại điện tử với giá từ 450.000-550.000 đồng một kg (loại còn nguyên vỏ hoặc đã bóc). Riêng hạt thông hữu cơ nhập khẩu từ Australia, Mỹ có thể lên tới 2 triệu đồng một kg.

Hạt thông được bán trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh từ sàn thương mại điện tử
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hạt thông chủ yếu được khai thác tự nhiên, chưa có đơn vị nào trồng để lấy hạt thương phẩm, nên sản lượng xuất khẩu còn hạn chế. Thông mọc nhiều ở Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Tĩnh... đa phần để bảo vệ môi trường và làm cảnh.
Trên thế giới, hạt thông là nguyên liệu cao cấp, đặc biệt được ưa chuộng tại Mỹ, châu Âu và Australia. Chúng không chỉ dùng làm thực phẩm mà còn góp mặt trong ngành công nghiệp bánh kẹo, đồ uống, mỹ phẩm, thậm chí được chiết xuất lấy dầu, khiến giá trị của loại hạt này ngày càng gia tăng.
Hồng Châu