Sinh năm 1923 tại Malaysia, Kuok nằm trong số ít doanh nhân châu Á đã chứng kiến hàng loạt biến động kinh tế - chính trị của khu vực. Ông gây dựng được đế chế kinh doanh trải khắp Malaysia, Singapore và Hong Kong, hoạt động trong cả lĩnh vực nông sản, bất động sản, logistics.
Hôm 6/10, tỷ phú bước sang tuổi 100. Nhiều doanh nhân nổi tiếng đã gửi lời chúc mừng sinh nhật Kuok. Trong đó có cha con người giàu nhất Hong Kong Li Ka-shing, gia đình Lee - sở hữu gã khổng lồ bất động sản Henderson Land Group và cả Joe Tsai - đồng sáng lập Alibaba.
Theo Forbes, Kuok hiện có tài sản 10,3 tỷ USD và là người giàu nhất Malaysia. Ông đã giữ vị trí này hơn 20 năm qua.
Robert Kuok trong một cuộc phỏng vấn năm 2015. Ảnh: SCMP
Kuok sinh năm 1923 tại bang Johor (Malaysia) trong một gia đình gốc Hoa. Cha ông chuyển từ Phúc Kiến (Trung Quốc) sang đây và là người kinh doanh nông sản. Kuok là con út trong ba anh em trai.
Năm 1941, ông theo học tại Học viện Raffles ở Singapore. Sau khi tốt nghiệp, Kuok trở về Johor và làm việc tại văn phòng của Mitsubishi (Nhật Bản), phụ trách bộ phận kinh doanh gạo.
Sau khi người cha qua đời năm 1948, ông thành lập Kuok Brothers với các thành viên trong gia đình. Công ty này kinh doanh gạo, đường và bột mỳ. Năm 1959, ông thành lập Công ty Sản xuất Đường Malaysia, sau này trở thành nhà máy đường lớn nhất nước, kiểm soát tới 60% nguồn cung đường trong nước. Đến năm 1970, ông được mệnh danh là "Vua đường châu Á" sau khi chiếm 5% thị phần đường toàn cầu.
Năm 1971, ông lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, khi xây khách sạn Shangri-La đầu tiên tại Singapore. 6 năm sau, ông xây Kowloon Shangri-La ở Hong Kong. Shangri-La Asia hiện là tập đoàn điều hành khách sạn xa xỉ lớn nhất khu vực châu Á, quản lý hơn 100 khách sạn và resort. Trong đó, một nửa là ở Trung Quốc.
Kuok chuyển trụ sở các công ty từ Singapore và Malaysia sang Hong Kong năm 1974. Cùng năm này, ông thành lập Kerry Holdings, cung cấp nhiều dịch vụ, từ logistics đến bất động sản, hàng hóa. Kuok và gia đình sở hữu nhiều tài sản ở Hong Kong và Trung Quốc, trong đó có hãng bất động sản Kerry Properties.
Thập niên 90, ông tham gia xây tòa nhà cao tầng China World Trade Center ở Bắc Kinh. Đây là một trong những khoản đầu tư nổi tiếng nhất của Kuok tại Trung Quốc đại lục. Điều này giúp Kuok gây dựng được danh tiếng tích cực tại đây.
Kerry Group cũng làm nhà máy đóng chai cho Coca-Cola từ năm 1993. Năm 2006, hãng đồ uống lớn nhất thế giới dần mua lại cổ phần của Kerry trong nhà máy này.
Năm 2007, Kuok sáp nhập công ty trồng và sản xuất ngũ cốc, dầu ăn của ông vào Wilmar International (Singapore). Công ty này hiện là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, được điều hành bởi cháu trai của Kuok - Kuok Khoon Hong.
Năm 2009, ông rời ngành đường Malaysia. PPB Group - tập đoàn do gia đình Kuok kiểm soát - bán mảng kinh doanh đường với giá 380 triệu USD cho Felda Global Ventures.
Hiện tại, tỷ phú đã nghỉ hưu và cùng gia đình sống tại Hong Kong. Một số người con của ông đang điều hành các công ty do gia đình kiểm soát. Trong đó có Kuok Hui Kwong - Chủ tịch Shangri-La Asia, Kuok Khoon Ean - chủ tịch Kuok Singapore và Kuok Khoon Hua - Chủ tịch kiêm CEO Kerry Properties.
Kuok được đánh giá là người khôn khéo. Theo SCMP, các mối quan hệ chính trị của ông được cho là không có đối thủ trong giới kinh doanh châu Á. Trong thời gian học tại Raffles, ông quen biết cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Khi mới nhậm chức, ông Lý từng tham khảo ý kiến của Kuok trong nhiều vấn đề.
Ông còn có mối quan hệ thân thiết với cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Bắc Kinh cũng từng chỉ định Kuok làm cố vấn, khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997. Trước đó, Trung Quốc là khách hàng lớn mua gạo và đường của công ty Kuok.
Trong cuốn hồi ký, Kuok từng cho biết có hai người đã dẫn đường cho ông có cuộc sống hiện tại. Một là mẹ ông – bà Tang Kak Ji. Ông cho biết đây mới chính là "nhà sáng lập thực sự" của đế chế Kuok và là sợi dây gắn kết ông với Trung Quốc. Hai là người anh William mà ông mô tả "rất vĩ đại nhưng lại qua đời quá sớm".
Kuok cũng nổi tiếng là người khiêm tốn, luôn nhiệt huyết và tích cực làm từ thiện. Tập đoàn của ông đã tham gia vào nhiều hoạt động từ thiện ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Malaysia. Để kết lại cuốn hồi ký, ông chỉ đưa ra câu hỏi: "Của cải để làm gì?"
Hà Thu (theo SCMP, Bloomberg)