Đây cũng là quý I hàng năm yếu nhất kể từ năm 2020, theo dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố. Quy mô vốn đầu tư nước ngoài vào nước này giảm dần trong 3 tháng qua, từ 113 tỷ nhân dân tệ hồi tháng 1, xuống 102 tỷ nhân dân tệ vào tháng 2 và 90 tỷ nhân dân tệ tháng qua.

Ji Xiaofeng, một quan chức của Bộ Thương mại cho biết sụt giảm một phần là do mức cơ sở cao trong cùng kỳ năm trước. Nếu so với quý IV/2023, vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc quý I tăng 41% và cơ cấu đầu tư được cải thiện.

AFP-20240412-34P99L9-v2-HighRe-8168-5546-1713590157.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Qc-KIWRuRdUR4P25VRcn8Q

Hoạt động tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 12/4. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao tháng trước, Phó giám đốc cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc Xu Zhibin cho rằng diễn biến đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc "về cơ bản phù hợp với xu hướng toàn cầu".

Nền kinh tế số hai thế giới đang nỗ lực thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng 3, Thủ tướng Lý Cường cam kết sẽ cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh cải cách trong các lĩnh vực then chốt nhằm tạo ra một "Trung Quốc cởi mở hơn" và hợp tác với thế giới.

Hôm thứ sáu (19/4), Trung Quốc công bố các biện pháp thúc đẩy đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh có dấu hiệu một số tập đoàn công nghệ đang cân nhắc rời đi.

Cụ thể, Bộ Thương mại nước này cho biết sẽ hỗ trợ các tổ chức nước ngoài phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ trong nước, nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư chiến lược nước ngoài vào các công ty niêm yết của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng khuyến khích các công ty công nghệ nước ngoài huy động tiền thông qua phát hành trái phiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư ngoại tham gia vào các công ty công nghệ Trung Quốc và sẽ phê duyệt "một cách hiệu quả" cấp phép đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc.

Phiên An (theo Nikkei, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022