Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi kết luận hội nghị họp cùng 38 lãnh đạo ngân hàng thương mại về tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng tín dụng, ngày 7/12.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng tăng hơn 9%. Với hạn mức tín dụng cả năm 14%, dư địa còn lại của hệ thống ngân hàng cấp cho nền kinh tế khoảng 5%, tương đương 700.000 tỷ đồng.

Thủ tướng bày tỏ sốt ruột khi mức tăng trưởng tín dụng thấp, không đồng đều, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng khó khăn. Điều hành tín dụng còn bị động, một số cơ chế chính sách tín dụng chưa sát tình hình, cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm.

Nguyên nhân vốn trong ngân hàng dư thừa nhưng khó cho vay, theo lãnh đạo Chính phủ, đến từ phía cung và cầu. Ở phía cung, hồ sơ, thủ tục vay của các nhà băng còn phức tạp, cứng nhắc. Lãi suất giảm nhưng vẫn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng vẫn tồn tại tình trạng sở hữu chéo, bất cập trong phát hành trái phiếu đơn lẻ. "Các ngân hàng phải chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn. Cùng đó, cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng", Thủ tướng nêu quan điểm.

Thực tế, tỷ lệ cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phần tại ngân hàng hoặc vay vốn có thể dễ dàng được thống kê, theo dõi. Tuy nhiên, các ông chủ thực sự nắm quyền chi phối lại không lộ diện trên hồ sơ nếu họ nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần hoặc lập doanh nghiệp "ma" để vay vốn.

Đơn cử, theo kết luận mới nhất của cơ quan điều tra (Bộ Công an) tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB), hồ sơ sổ sách chỉ thể hiện bà Trương Mỹ Lan nắm giữ 4,98% vốn điều lệ. Nhưng trên thực tế, bà Lan sở hữu hơn 91% cổ phần nhà băng này thông qua nhờ 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ, tính đến tháng 10/2022. Từ 2012 đến 2022, trên 90% dư nợ cho vay của SCB chảy vào nhóm của bà Lan thông qua hàng ngàn công ty "ma" được dựng lên.

Thu-tuong-hoi-nghi-ngan-hang2-4080-8836-1701941347.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ai2Hgz7o8fr3h8TqjxgW3Q

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận cuộc họp với các ngân hàng về tháo gỡ tín dụng cho nền kinh tế, ngày 7/12. Ảnh: VGP

Từ phía cầu (doanh nghiệp, người dân), khả năng hấp thụ vốn cũng khó khăn do chịu tác động từ tình hình kinh tế thế giới, trong nước. Một số doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng không đáp ứng được điều kiện về tài sản đảm bảo, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tín dụng tăng thấp hơn nhiều năm, nên cuối tháng trước Ngân hàng Nhà nước đã "chia" lại room tín dụng cho các nhà băng, từ ngân hàng thừa sang nhà băng thiếu. Tại hội nghị hôm nay, đại diện một số ngân hàng cho rằng cách này giúp họ kịp thời hơn trong việc đưa vốn ra nền kinh tế.

Ông Kang Gew Won, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết, nhà băng này được tăng thêm 5% room tín dụng, nâng tổng hạn mức năm nay lên 20%. Ông Kang cho rằng, việc điều chỉnh hạn mức tín dụng này là hành động kịp thời để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn, nhất là giai đoạn cuối năm họ đang rất cần tiền cho sản xuất, kinh doanh.

Tuy vậy, trước thực tế tiền trong ngân hàng vẫn dư thừa, nền kinh tế khát vốn, Thủ tướng nhắc lại quan điểm "không hạ chuẩn cho vay nhưng ngân hàng cần linh hoạt (tài sản thế chấp, thủ tục vay), phù hợp với các doanh nghiệp có dự án khả thi".

Ngân hàng Nhà nước có giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng. Cơ quan quản lý tiền tệ cần sớm hoàn thiện trình cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các hoạt động mới như Fintech, cho vay trực tuyến, để tạo điều kiện huy động và cho vay tiện lợi hơn.

Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, triển khai các gói tín dụng ưu đãi phù hợp từng lĩnh vực. "Thông tin về lãi suất cho vay bình quân của từng ngân hàng, toàn hệ thống và chênh lệch lãi huy động - vay cần được công bố công khai, tạo điều kiện doanh nghiệp, người dân chọn nhà băng có lãi vay thấp", Thủ tướng yêu cầu.

Về phía doanh nghiệp, nhất là bất động sản - lĩnh vực gặp nhiều khó khăn về tiếp cận dòng tiền, lãnh đạo Chính phủ đề nghị họ cơ cấu lại phân khúc hợp lý thị trường, hạ giá thành.

Ông cũng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm tình trạng người dân đến gửi tiền tại ngân hàng thì được môi giới mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với lãi suất cao.

Bộ Công an không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, có giải pháp xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ, tạo môi trường phát triển hệ thống các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022