Ngày 12/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, toạ đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp là thành viên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nhân dịp dự Hội nghị WEF ASEAN năm 2017, diễn ra tại Campuchia. 

Mở đầu cuộc gặp, lãnh đạo Chính phủ cho biết, lần gặp gỡ này gợi cho ông nhớ về thời còn làm Chủ tịch một công ty ở mảnh đất nghèo và giờ công ty đó đã thành công rất lớn. Vì thế, ông phần nào hiểu những thách thức, cũng như quyết tâm thành công của các doanh nghiệp nước ngoài đang rót vốn kinh doanh công tại Việt Nam.

“Tôi tin các bạn sẽ làm nên một bình minh rực rỡ trên đất nước Việt Nam”, Thủ tướng chia sẻ và cam kết Chính phủ sẽ tiếp tục mở cửa hơn nữa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tài sản đối với các nhà đầu tư tại Việt Nam. 

thu-tuong-WEF-4191-1494573022.jpg

Thủ tướng giới thiệu tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam với các doanh nghiệp thuộc WEF. Ảnh: VGP

Theo xếp hạng của WEF về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) 2016-2017, Việt Nam xếp thứ 60/138 nước. Hiện có hơn 22.000 doanh nghiệp từ 110 quốc gia, đối tác đang đầu tư trên 300 tỷ USD tại Việt Nam. Có 110.000 doanh nghiệp mới ra đời năm 2016 và Việt Nam đang hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020. 

Nhắc tới câu chuyện thành công của Sài Gòn Co.op - một hợp tác xã có doanh thu trên 1,5 tỷ USD, thuộc top 200 nhà bán lẻ lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas) thuộc top 2.000 công ty lớn nhất thế giới... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không khó bắt gặp những câu chuyện thành công của nhiều nhà đầu tư đã rót vốn, hoặc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp trong nước.

Nhiều tập đoàn lớn của thế giới cũng đã có mặt ở Việt Nam, kinh doanh thành công và không ngừng mở rộng quy mô, trở thành những minh chứng cho môi trường kinh doanh cởi mở của Việt Nam như Intel, Samsung, Toyota, Coca Cola, P&G, Unilever, McDonald’s…

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để tạo động lực mới cho phát triển, đạt tăng trưởng bình quân 6,5-7% một năm. “Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động và phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu lực và hiệu quả thực thi công vụ”, ông nói.

Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu chủ yếu bằng mức trung bình của 4 nước hàng đầu ASEAN. Song song đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics, phát triển thị trường tài chính; tăng cường đầu tư cho khoa học và ứng dụng công nghệ...

Tại cuộc gặp, các doanh nghiệp WEF đánh giá cao nỗ lực cải cách đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua và bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác, đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Hội nghị WEF-ASEAN năm 2017 diễn ra trong bối cảnh ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập diễn đàn. Với chủ đề “Thanh niên, công nghệ và tăng trưởng: Phát huy các lợi thế của ASEAN về nhân khẩu học và công nghệ số”, hội nghị lần này là dịp để cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá tiến trình phát triển của ASEAN, nhận diện những thuận lợi, khó khăn mà khu vực đang phải đối diện trước những biến chuyển mạnh về kinh tế, khoa học công nghệ.

Việt Nam tham dự Hội nghị WEF-ASEAN 2017 nhằm quảng bá hình ảnh một nền kinh tế năng động, quyết tâm cải cách và hội nhập quốc tế. Dịp này, Việt Nam sẽ nhận bàn giao vai trò nước chủ nhà của WEF-ASEAN 2018.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022