Sáng 10/12 (chiều cùng ngày giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) - tổ chức tài chính quốc tế có cổ đông là các nước thành viên EU - nhân chuyến thăm chính thức Luxembourg.
Ông cảm ơn lãnh đạo và nhân viên ngân hàng đã tiếp đoàn vào ngày nghỉ thứ 7, đồng thời cho biết rất ấn tượng với trụ sở khi tận dụng ánh sáng tự nhiên, gió trời, khiến con người gần gũi với thiên nhiên, thể hiện xu thế phát triển xanh hiện nay.
EIB có quan hệ sớm với Việt Nam cách đây 25 năm, hỗ trợ Việt Nam 7 dự án với số vốn 561 triệu USD, mỗi năm khoảng 20 triệu USD. Về tốc độ thực hiện các hợp tác, theo lãnh đạo Chính phủ Việt Nam "là còn hơi chậm".
"Nhưng Việt Nam có câu ngạn ngữ, tiên trách kỷ hậu trách nhân, chúng tôi sẽ phải khắc phục những hạn chế, xem xét nguyên nhân hợp tác ì ạch", Thủ tướng nói.
Việt Nam đang triển khai ba đột phá chiến lược, đó là thể chế, hạ tầng, nhân lực nên rất cần nguồn lực, nhất là tài chính để thực hiện. Ngoài nguồn lực bên trong là con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống văn hóa của dân tộc, Thủ tướng nói, Việt Nam cần nguồn lực bên ngoài là nguồn vốn của nhà đầu tư, FDI trực tiếp và gián tiếp, vốn vay. Song vay vốn phải phù hợp với chủ trương lớn của ngân hàng, do đó Thủ tướng mong muốn tăng cường quan hệ, phối hợp hiệu quả với ngân hàng ở quy mô lớn hơn, thời gian khẩn trương hơn.
"Tôi mong thời gian tới phát triển dự án nhiều, nhanh, hiệu quả hơn, vào những lĩnh vực mà ngân hàng ưu tiên và Việt Nam có nhu cầu phát triển như chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn...", lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong cuộc làm việc tại Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sáng 10/12. Ảnh: Nhật Bắc
Ông nói thêm, kỳ vọng hai bên sẽ ký lại thỏa thuận hợp tác tài chính đã ký từ năm 1997. Phía Việt Nam sẽ cử Bộ trưởng Tài chính sang làm việc với Ngân hàng EIB và các tổ chức tài chính tại Luxembourg. Khuôn khổ pháp lý cần được nâng lên phù hợp với tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, hai bên cần xử lý tồn đọng ở những dự án hiện nay, để số 561 triệu USD thực sự hiệu quả, như dự án thủy điện lập khung năm 2009, hay hai dự án đã bàn bạc nhưng tiến triển chậm là Metro 2 ở TP HCM và Metro 3 ở Hà Nội.
Nhấn mạnh Việt Nam là nước nghèo, đang trong quá trình chuyển đổi, Thủ tướng mong ngân hàng Đầu tư châu Âu có ưu đãi về điều kiện vay và lãi suất vay so với các nước phát triển. Với điều kiện kinh tế của Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người mới gần 4.000 USD thì không thể như nước có thu nhập bình quân 50-60.000 USD.
"Muốn giá phải chăng thì giá đầu vào phải giảm, trong đó giá vay vốn cũng phải ưu đãi", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nói, đề xuất EIB nghiên cứu thủ tục đơn giản, dễ thực hiện cho cả hai bên. Bộ phận tài chính của Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với ngân hàng về vấn đề kỹ thuật trước khi ký kết nghị định thư trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị EIB có đại diện tại Hà Nội như các định chế tài chính khác của thế giới như WB, ADB.
Phó chủ tịch EIB Kris Peeters. Ảnh: Hoàng Thùy
Phó chủ tịch EIB Kris Peeters nói sau cuộc gặp, ngân hàng sẽ bắt tay ngay các công việc, làm việc với phía Việt Nam để phát huy mối quan hệ, xem xét đổi mới, thủ tục, điều khoản cho vay trong hiệp định hợp tác với Việt Nam.
"Ngân hàng có thể làm việc cả thứ 7, chủ nhật để thúc đẩy mối quan hệ hai bên. Tôi hy vọng sớm thăm Việt Nam để thảo luận về các dự án", ông Kris Peeters bày tỏ.
EIB được thành lập năm 1958 theo Hiệp ước Rome với tư cách là ngân hàng định hướng chính sách, sử dụng các hoạt động tài chính cho các mục tiêu chính sách khác của EU như hội nhập châu Âu và gắn kết xã hội.
Vụ trưởng Ủy ban châu Âu về tài chính Peteris Ustubs cho biết trong thời gian qua, EIB đã hợp tác chặc chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng nhằm làm giảm khoảng cách tài chính, tăng đầu tư các dự án tăng trưởng xanh... Ông mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm kết thúc đàm phán quan hệ hợp tác công bằng trong chuyển đổi năng lượng.
"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt với ngân hàng để hỗ trợ Việt Nam thực hiện việc này", ông nói, cho biết sau cuộc làm việc, EVN và ngân hàng sẽ ký bản hợp tác, tạo đà thúc đẩy hợp tác giữa EU và Việt Nam, từ đó thúc đẩy hơn nữa cam kết của Việt Nam trong thực hiện giảm thiểu phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đặc biệt là tài trợ cho các dự án ngành điện.
Giám đốc điều hành EIB toàn cầu Markus Berndt nói lĩnh vực ưu tiên của ngân hàng giống với lĩnh vực mà Thủ tướng đã nêu như chống biến đổi khí hậu, hạ tầng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Giám đốc điều hành EIB toàn cầu Markus Berndt . Ảnh: Hoàng Thùy
Theo ông, nguyên nhân ảnh hưởng tiến trình dự án hợp tác chậm mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập là thủ tục cho vay cũng là vấn đề phía ngân hàng phải quan tâm. Do đó, ngân hàng sẽ phối hợp với liên minh châu Âu củng cố cơ chế chính sách, đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy nhanh dự án vì mối quan hệ tốt hơn với các nước.
"Chúng tôi ghi nhận thông điệp mà Thủ tướng nêu, cố gắng hơn nữa để đạt được hiệu quả", ông nói và cam kết làm hết mình để mối quan hệ giữa ngân hàng với Việt Nam tốt đẹp hơn.
Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Luxembourg từ năm 1973. Hợp tác kinh tế, thương mại, giáo dục đào tạo giữa hai nước liên tục phát triển trong 50 năm qua. Luxembourg được xem là trung tâm tài chính toàn cầu và trụ sở của các quỹ đầu tư tài chính hàng đầu thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Luxembourg, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này từ 9/12. Ông cũng sẽ thăm Hà Lan, Bỉ và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussels, Bỉ ngày 14/12.