Như nhiều địa phương khác của Nigeria, Lagos, thành phố lớn nhất nước, đang gặp vấn nạn về rác thải, đặc biệt là nhựa. Ước tính có tới 50-60 triệu bịch nước sau sử dụng được vứt ra đường mỗi ngày, theo nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố năm 2024. Bịch nước là sản phẩm nhựa một lần đựng nước lọc hoặc tiệt trùng phổ biến ở Nigeria, được ưa chuộng bởi chi phí rẻ hơn chai nhựa.
Công nhân chất bao chai nhựa lên xe sau khi gom từ bãi rác ở Port Harcourt, Nigeria ngày 31/10/2022. Ảnh: Reuters
Có nhiều số liệu khác nhau về tình trạng của đất nước ô nhiễm nhựa bậc nhất thế giới. Theo báo cáo của đại diện chính phủ Nigeria tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2021, quốc gia này thải gần 13 triệu tấn nhựa năm 2020, chủ yếu ở khu vực đô thị. Trung bình mỗi người dân đô thị thải ra 87 kg rác nhựa một năm.
Reuters cho biết lệnh cấm nhựa dùng một lần được thông báo từ tháng 6, được cho là gây chấn động tại quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào nhựa.
Để làm gương, chính quyền liên bang đã ngưng sử dụng loại nhựa này tại văn phòng của các nhà chức trách. Bộ Môi trường cho biết họ đang thiết lập "một khuôn khổ toàn diện giúp nâng cao nhận thức, tiến tới thực thi lệnh cấm trên toàn quốc một cách hiệu quả".
Tuy nhiên, Guardian cho biết những người bán thực phẩm từ thành phố Abeokuta, Calabar, Kaduna đến Onitsha vẫn sử dụng xốp và các loại nhựa dùng một lần khác. Người dân tập trung vào việc kiếm sống nhiều hơn là thời hạn cấm loại nhựa gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày. Mối bận tâm của họ là chuyện khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
"Tôi dành gần nửa thu nhập hàng ngày để mua nhiên liệu và đồ ăn. Nhựa rẻ và dễ kiếm, tại sao phải chi trả cho bao bì đắt đỏ hơn?", tài xế taxi 28 tuổi Amos Adeyanju kêu ca.
Bà Labake Ajiboye-Richard, nhà sáng lập một công ty tư vấn về bền vững có trụ sở tại Lagos, cho rằng thiếu một bước quan trọng để hướng tới hành vi của người dân trong thực thi lệnh cấm này. Chính phủ cần nâng cao nhận thức cho người dân, để họ hiểu tại sao nhựa dùng một lần có hại cho môi trường.
"Tiền luôn là động lực cho mọi người, cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình ra quyết định", Ajiboye-Richard cho biết. Nếu một số chiến lược thực tế này được triển khai, bà cho rằng Nigeria có thể loại bỏ nhựa dùng một lần khỏi các kệ hàng vào năm 2030.
Một số chuyên gia cho rằng việc sử dụng nhựa không bền vững là nét mới trong văn hóa người châu Phi. Văn hóa cũ, ví dụ gói thực phẩm trong lá chuối hay lên men để kéo dài vòng đời của thực phẩm, nên được khuyến khích. Đồng thời, họ khuyến nghị cần có những ưu đãi để khích lệ người dân chuyển đổi.
Bảo Bảo (theo Guardian, Reuters)