Tăng trưởng kinh tế yếu đang dần hiển hiện ở các nước phương Tây giàu có. Năm 2019, GDP các nền kinh tế tiên tiến tăng trưởng dưới 2%. Vài chỉ số cho thấy năng suất ở các nước giàu đang chậm lại và có thể suy giảm.

Các dự báo chính thức đến năm 2027 chỉ ra tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ở các nước giàu sẽ dưới 1,5% một năm. Ở một số nơi, như Canada và Thụy Sĩ, các con số này gần bằng không.

Nguyên nhân được giới phân tích cho là các thành quả từ những đột phá về chính sách, như mở cửa thị trường lao động cho phụ nữ, dân chủ hóa giáo dục đại học, cho đến đổi mới sáng tạo như ôtô, Internet đã dần được khai thác hết. Trong khi đó, dân số phương Tây đang già nhanh chóng.

Vấn đề này vẫn khắc phục được bằng cách thúc đẩy toàn cầu hóa. Các nhà hoạch định chính sách có thể cải cách quy hoạch để giảm chi phí nhà ở, chào đón người nhập cư để bổ sung công nhân trẻ. Tất cả những biện pháp này sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ tăng trưởng kinh tế giờ không còn được ưa chuộng quá mức. Theo phân tích dữ liệu của The Economist từ, các đảng phái chính trị trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ tập trung vào tăng trưởng với mức độ bằng nửa những năm 1980.

Ví dụ, các chính trị gia hiện ít tán dương lợi ích của thị trường tự do hơn so với những người tiền nhiệm. Họ thậm chí thể hiện ý muốn chống tăng trưởng, mong chính phủ kiểm soát hơn nền kinh tế.

Tại Anh, vào thập niên 70, ngân sách trung bình của nước này cho cải cách thuế tương đương 2% GDP. Đến cuối những năm 2010, các chính sách chỉ còn có quy mô bằng nửa.

L7OJ4FSE2VLUFPMOEN5K52ZRYY-jpe-7432-9066-1670831577.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OgHWthJJ9UScVl-ALuizbA

Một góc khu trung tâm tài chính tại London (Anh) tháng 1/2021. Ảnh: Reuters

Một bài báo xuất bản vào năm 2020 của Alberto Alesina - nhà kinh tế học quá cố tại Đại học Harvard, và các đồng nghiệp tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Đại học Georgetown đã đo lường tầm quan trọng của các thay đổi chính sách. Trong những năm 1980 và 1990, chính trị gia ở các nền kinh tế tiên tiến đã thực hiện rất nhiều biện pháp giúp kinh tế đi lên. Nhưng đến những năm 2010, các cải cách trên thực tế đã đình trệ.

Phân tích của The Economist với dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy tiến độ gần đây còn chậm hơn, thậm chí có thể bị đảo ngược. Mỹ ban hành 12.000 quy định mới năm 2021. Từ năm 2010 đến 2020, rào cản thuế quan của các nước giàu với hàng nhập khẩu tăng gấp đôi. Anh thực hiện Brexit. Các quốc gia khác quay lưng lại với người nhập cư. Năm 2007, gần 6 triệu người di cư sang các nước giàu. Con số này giảm xuống 4 triệu năm 2019.

Chính phủ phương Tây cũng ít thân thiện hơn với các công trình xây dựng mới, dù là nhà ở hay cơ sở hạ tầng. Ba nhà kinh tế Knut Are Aastveit, Bruno Albuquerque và André Anundsen tìm ra rằng độ linh hoạt của nguồn cung nhà ở Mỹ đã giảm kể từ thời kỳ bùng nổ những năm 2000.

Thay vào đó, các chính phủ phương Tây đang chi tiêu nhiều hơn cho phúc lợi, như lương hưu và đặc biệt là chăm sóc sức khỏe. Theo một báo cáo năm 2019, chi tiêu y tế cho mỗi người trong OECD sẽ tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 3% và đạt 10% GDP vào năm 2030, tăng từ mức 9% năm 2018.

Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và lương hưu là điều tốt. Nhưng tài chính cho việc này đòi hỏi thuế cao hơn hoặc cắt giảm chi tiêu ở nơi khác. Kể từ đầu những năm 1980, chi tiêu của các chính phủ trong OECD cho R&D đã giảm khoảng một phần ba.

Trong thời kỳ khủng hoảng, các chính trị gia còn quan tâm đến việc ngăn những điều tồi tệ xảy ra với mọi người. Hệ thống bảo lãnh tín dụng khổng lồ, lệnh cấm trục xuất và xóa nợ được đưa ra trong đại dịch đã giúp họ tránh được các vụ phá sản và vỡ nợ. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có hạn chế.

Ví dụ, chính phủ Mỹ đã bảo lãnh cho những khoản nợ tiềm ẩn khổng lồ và ít nhiều chịu áp lực với các khoản nợ trị giá gấp 6 lần GDP. Năm nay, các chính phủ châu Âu cũng phải hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Ngay cả Đức, thường là quốc gia chi tiêu kỷ luật nhất châu Âu, cũng phân bổ khoản cứu trợ bổ sung trị giá 7% GDP cho mục đích này.

Không ai vui mừng khi một công ty phá sản hoặc ai đó rơi vào cảnh nghèo đói. Nhưng cứu trợ khiến các nền kinh tế kém thích nghi hơn, hạn chế tăng trưởng bằng khi ngăn chặn việc các nguồn lực chuyển từ nơi sử dụng không hiệu quả sang nơi dùng hiệu quả.

Đã có bằng chứng cho thấy sự trợ giúp tài chính trong thời kỳ đại dịch tạo ra nhiều "công ty zombie" hơn - vẫn đang hoạt động nhưng tạo ra ít giá trị kinh tế. Các khoản nợ tiềm ẩn khổng lồ của chính phủ cũng có thể dẫn đến xu hướng đánh thuế cao hơn.

Vậy tại sao phương Tây bớt mặn mà với tăng trưởng?Câu trả lời có thể liên quan đến dân số già. Những người không làm việc hoặc gần hết tuổi lao động có xu hướng ít quan tâm đến việc trở nên giàu có hơn. Họ phản đối những thứ chỉ mang lại lợi ích sau khi họ chết, như nhập cư hoặc xây dựng nhà cửa.

Thay vào đó, họ sẽ ủng hộ những thứ mang lại lợi ích trực tiếp cho bản thân như chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ cử tri đi bầu cao tuổi lại có xu hướng cao. Vì vậy, quan điểm của họ có trọng lượng.

Tuy nhiên, dân số phương Tây đã già đi trong nhiều thập kỷ qua, kể cả trong thời kỳ cải cách kinh tế những năm 1980 và 1990. Do đó, sự thay đổi trong môi trường mà chính sách có thể lý giải phần nào cho tình hình hiện tại.

Với sự xuất hiện của mạng xã hội và tin tức liên tục 24 giờ, việc thực hiện những cải cách khó khăn trở nên dễ dàng hơn. Ngày trước, những người thất bại từ một cuộc vận động chính sách thường không có nhiều lựa chọn ngoài việc chịu đựng trong im lặng. Nhưng giờ đây, họ có nhiều cách hơn để phàn nàn. Kết quả là, các nhà hoạch định chính sách có nhiều động lực hơn để hạn chế lượng người thất bại.

Ngoài ra, mức nợ cao cũng hạn chế khả năng của các nhà hoạch định chính sách. Tại nhóm G7, nợ tư nhân đã tăng tương đương 30% GDP kể từ năm 2000. Ngay cả sự sụt giảm nhỏ trong dòng tiền cũng có thể khiến việc trả nợ trở nên khó khăn hơn. Điều này có nghĩa các chính trị gia sẽ nhanh chóng can thiệp khi có vấn đề xảy ra. Trọng tâm của họ là tránh lặp lại cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 thay vì chấp nhận nỗi đau hôm nay để tương lai tươi sáng hơn.

Theo The Economist, điều gì sẽ thúc đẩy phương Tây đi theo một hướng mới hiện vẫn chưa rõ ràng. Vẫn chưa có dấu hiệu của một sự thay đổi. Thế giới có thể phải chờ một cuộc khủng hoảng tài chính nữa, hoặc chờ đến khi thế hệ baby boomers (sinh từ 1946 đến năm 1964) không còn. Tất cả hiện vẫn là dấu chấm hỏi.

Phiên An (theo The Economist)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022