Trong phần trao đổi cuối phiên họp thường niên chiều nay của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), một cổ đông yêu cầu giải trình về mục đích phát hành 200 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho biết toàn bộ 2.000 tỷ đồng huy động được sẽ dùng trả nợ ngân hàng. Công ty sẽ phát hành trực tiếp cho không quá 10 nhà đầu tư và yêu cầu họ hạn chế chuyển nhượng trong một năm.
"Hòa Bình cần dòng tiền đủ lớn để giải quyết tận gốc các khoản nợ, từ đó có thể phát triển thị trường nước ngoài và đầu tư cho các lĩnh vực tạo nên lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trong tương lai", ông Hải nói.
Đến cuối năm 2024, tổng nợ phải trả của HBC khoảng 13.660 tỷ đồng, 91% là các khoản ngắn hạn. Riêng năm nay, họ có khoảng 3.820 tỷ đồng các khoản vay phải trả cho ngân hàng và trái phiếu đến hạn thanh toán cho các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán.
Ông Hải cho rằng khó khăn của HBC chỉ do mất cân đối dòng tiền, còn lại công ty có đủ nội lực để phục hồi. Sau khi củng cố năng lực tài chính, Hòa Bình có thể đạt tốc độ tăng trưởng như quá khứ, tức doanh thu nhân 5 lần chỉ sau 5 năm. Lãnh đạo này dẫn lại số liệu giai đoạn 2008-2013 cho thấy, doanh thu năm 2008 ghi nhận gần 696 tỷ đồng, đến năm 2013 đã đạt hơn 3.432 tỷ đồng, tức gấp gần 5 lần.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Ảnh: Thanh Tùng
Động lực chính của doanh nghiệp này đến từ việc mở rộng thị trường nước ngoài. Ban lãnh đạo phân tích triển vọng thị trường trong nước vẫn còn lớn khi bất động sản và du lịch dần ấm lên nhưng hiệu quả kinh doanh lại không cao vì cạnh tranh khốc liệt và biên lợi nhuận thấp (khoảng 5-10%).
Quy mô thị trường xây dựng nước ngoài đạt 15.000 tỷ USD, trong khi con số này ở Việt Nam năm trước chỉ 36 tỷ USD. Thêm vào đó, những dự án nước ngoài HBC đang nghiên cứu có biên lợi nhuận gộp 10-20% và nếu liên doanh được các doanh nghiệp địa phương, tỷ lệ trên còn cao hơn.
"Hòa Bình đã chuẩn bị nhiều năm qua và nay là thời điểm chín muồi, cần giải quyết dứt điểm các khoản nợ để tập trung phát triển kinh doanh quốc tế", ông Hải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Kinh Luân, Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường nước ngoài, cho biết hiện tại họ tập trung ở Australia, Mỹ, Campuchia và một số nước Đông Phi. Năm trước, HBC cung cấp dịch vụ quản lý dự án và cung ứng vật liệu xây dựng cho thị trường Mỹ và thương thảo thêm các đối tác ở California về liên doanh trong năm nay. Theo ông Luân, đối tác tại Mỹ của họ đang nắm trong tay những dự án quy mô lớn, hy vọng sau khi liên doanh, HBC sẽ có những hợp đồng xây dựng tại nước này. Chiến lược trên cũng được áp dụng tương tự ở Australia.
Năm trước, Hòa Bình cũng trúng thầu 4 dự án nhà ở xã hội ở Kenya với tổng giá trị hợp đồng khoảng 70 triệu USD. Tại Campuchia, doanh nghiệp này ký kết một số dự án hạ tầng, dân dụng và sẽ có chiến lược phát triển tập trung hơn ở thị trường này.
Liên quan đến kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, một cổ đông khác đặt câu hỏi liệu giá đưa ra cao gần gấp rưỡi thị trường có gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Ông Lê Viết Hải phủ định và nói khi tăng được vốn, giá trị sổ sách của công ty cũng được nâng lên. Với mức định giá rẻ, cổ phiếu sẽ dần tăng giá và đem lại lợi ích cho cổ đông.
Chốt phiên 25/4, HBC giao dịch ở 6.000 đồng một đơn vị, giảm gần 5% so với đầu năm. Nếu so với thời hoàng kim ở vùng giá 33.000 đồng, mã này đã bị bay hơi gần 82%.
Năm nay, Xây dựng Hòa Bình lên kế hoạch có 9.000 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 360 tỷ đồng. So với cùng kỳ, doanh thu dự kiến tăng thêm 40% nhưng lợi nhuận sụt gần 63%.
CEO Lê Văn Nam nói lợi nhuận năm trước vẫn chưa xuất phát từ hoạt động kinh doanh chính, mà chủ yếu do chuyển nhượng tài sản, công ty con và thu hồi nợ tốt. Năm nay, họ đặt mục tiêu lãi thấp hơn nhưng lợi nhuận gộp dự kiến đạt 450 tỷ đồng, cải thiện thêm 26% so với cùng kỳ.
Tất Đạt