Đề xuất này được ông Hoàng Văn Cường nêu khi thảo luận về báo cáo của đoàn giám sát, dự thảo Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội, giá nhà ở tăng cao bất thường, vô lý, nhất là tại Hà Nội, TP HCM, khiến nhiều người dân có nhu cầu thực, không thể mua nhà. Ông Hoàng Văn Cường phân tích bất động sản cao bất hợp lý là thể hiện ở giá nhà đang vượt xa thu nhập của người dân. Việc này khiến thị trường vừa phục hồi, lại xuất hiện dấu hiệu bất ổn.

Dữ liệu của hãng tư vấn bất động sản Savills Việt Nam cũng cho thấy, giá căn hộ chung cư tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM đều trên 68 triệu đồng một m2. Nguồn cung nhà ở phân khúc vừa túi tiền (dưới 3 tỷ đồng) đang cạn kiệt dần qua các năm và căn hộ sơ cấp giá dưới 2 tỷ đồng cũng đã hoàn toàn biến mất. Cũng theo tính toán của bộ phận nghiên cứu Savills, mỗi năm giá nhà TP HCM tăng trung bình 5-10%, giả sử một hộ gia đình thu nhập trung bình, dù có thể tiết kiệm tối đa 40% thu nhập mỗi tháng, cũng cần hơn 30 năm để mua một căn nhà (với điều kiện giá nhà không tiếp tục tăng).

Vì thế, ông Cường kiến nghị Chính phủ thực hiện Điều 31 Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành khi có biến động bất thường, để bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường. Đây cũng là cơ sở để thu thuế, điều tiết phần thu nhập tăng lên do giá tăng bất thường.

Ông cũng đề nghị Chính phủ phải buộc doanh nghiệp kê khai giá với sản phẩm bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp. "Kê khai và kiểm tra giá như thế, Chính phủ mới nắm bắt được kịp thời nguồn gốc biến động giá để có các giải pháp điều chỉnh", ông nói.

Hoang-Van-Cuong3-5615-1730091004.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ePYZlfZIO7KRVUfLmOIJfA

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách, ngày 28/10. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Thực tế, bất động sản là một kênh tích lũy tài sản. Không ít người cho rằng bỏ tiền vào kênh này sẽ "không mất đi, mà tăng lên do giá nhà chỉ tăng mà không giảm". Vì thế, quy luật là nhiều người mua, cầu tăng dẫn tới giá bất động sản tăng.

"Điều này lại thúc đẩy mọi người dồn tiền mua bất động sản, chờ tăng giá kiếm lời, gia tăng đầu cơ, đẩy giá", ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách nhận xét.

Mặt khác, sức nóng sốt giá lan từ khu vực trung tâm sang các quận, huyện vùng ven. Sau các phiên đấu với giá trúng cao kỷ lục, đất ở huyện ven đô lên tới hơn 100 triệu đồng một m2, tương đương đất dự án đã đầu tư hạ tầng.

Nguyên nhân, theo bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, do tình trạng đầu cơ, thổi giá. Bà nêu thực tế, thủ đoạn của nhóm đầu cơ sử dụng là đẩy giá lên cao chót vót tại các phiên đấu giá đất, sau đó bỏ cọc khi tới thời hạn nộp tiền. Mục đích của chiêu trò này là thiết lập mặt bằng giá mới cho các mảnh đất trong khu vực họ mua gom trước đó, thu siêu lợi nhuận.

Bên cạnh đó, không ít người dân có tâm lý mua nhà đất chờ tăng giá, cũng là lý do đẩy bất động sản leo thang. "Mỗi khi vào đợt sốt đất, nhà thì tâm lý này càng tăng cao. Không ít người đứng ngồi không yên trước thông tin giá nhà đất tăng phi mã, vay để mua bằng được mảnh đất và để đó chờ tăng giá", bà Thủy nói.

Nguyen-Thi-Thuy-settop-1493-1730082663.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=I_kpWWo_qlS9B5ZNX6a7wQ

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, phát biểu tại phiên thảo luận sáng 28/10. Ảnh:

Thừa nhận tình trạng này thổi giá của giới đầu tư khiến bất động sản tăng phi lý, song theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An, rất khó xử lý khi đó là các giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán, đóng thuế và phí chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.

Tuy vậy, để ngăn tình trạng bỏ giá cao khi đấu giá, thay vì tăng tiền cọc, nhà chức trách cần đưa ra quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá. Việc này có thể xác nhận qua tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.

Quy định như vậy, ông Hoàng Văn Cường nói những người có nhu cầu mua thật sẽ dễ dàng chứng minh được, đồng thời sẽ loại bỏ được những người không có nhu cầu sử dụng, tham gia đấu giá để mua đi bán lại hoặc những người cố tình bỏ giá cao rồi bỏ cọc như vừa qua.

bat-dong-san-khu-dong-TP-HCM-7005-1730088072.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3LSlGPup2MwGw-Qv00Lkeg

Bất động sản khu Đông TP HCM (TP Thủ Đức, TP HCM) với các dự án chung cư, đất nền, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

"Thị trường bất động sản đang 'hư hư, ảo ảo, nay giá này, mai giá khác", ông Phạm Văn Hòa nhận xét. Ông chỉ ra bất cập trong thị trường, phần lớn là phân khúc nhà ở thương mại cho người thu nhập cao, còn loại nhà ở dành cho người thu nhập thấp rất ít.

Nhiều doanh nghiệp sau thời gian neo giá cao, chậm bán, họ buộc giảm giá hai phần ba để đẩy hàng, nhưng cũng ế. Điều này cho thấy nhu cầu của người dân với phân khúc nhà cao cấp rất hạn hẹp, trong khi nhà giá bình dân "họ rất cần mà không có để mua".

Sự lệch pha cung cầu dẫn tới khan hiếm căn hộ bình dân, tiềm ẩn nguy cơ thao túng do không có nhiều căn hộ loại này để cạnh tranh. Khi đó doanh nghiệp thiếu áp lực thị trường để phải giảm giá với loại nhà ở này.

Để kiểm soát tình trạng giá bất động sản tăng bất thường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có chính sách ưu đãi, đủ hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà thương mại bình dân, phù hợp túi tiền của số đông người lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tháo gỡ vướng mắc dự án nhà ở, kiểm soát chặt và chấm dứt tình trạng đầu cơ đất đai. "Nếu tháo gỡ được thì có thể đưa vào thị trường vài nghìn căn hộ, giúp giảm giá bất động sản", bà nhận xét.

Các đại biểu cho rằng Chính phủ cần sớm đổi, ban hành mới các luật thuế. Trong đó, đánh thuế cao với người sử dụng nhiều nhà, nhiều đất. "Đây là công cụ để chống đầu cơ đất đai, giúp hạ giá nhà về đúng giá trị thực của thị trường", ông Cường chốt lại.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022