Tính đến ngày 25/10, giá cau tươi ở đảo Hải Nam đã giảm xuống 35 nhân dân tệ một cân (cân Trung Quốc bằng 0,6 kg), tương đương 220.000 đồng một kg, thấp hơn mức đỉnh ngày 18/10 gần 10 nhân dân tệ. Dẫu vậy, mức này vẫn tăng gần 160% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Trung tâm Giám sát giá tỉnh Hải Nam cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Chính quyền tỉnh Hải Nam.
Cơn sốt giá cau
Hai tháng qua, Trung tâm Giám sát giá tỉnh Hải Nam liên tục công bố giá quả cau khi mặt hàng này gây sốt ở tỉnh đảo cực nam Trung Quốc. Hôm 18/10, giá cau Trung Quốc đã lập đỉnh 45 nhân dân tệ một cân (0,6 kg), tương đương khoảng 270.000 đồng một kg. Mức này tăng 25% so với tháng trước, tăng 172% so với cùng kỳ năm ngoái và gấp 6 lần so với năm 2016.
Cơn sốt giá cau ở đảo Hải Nam năm nay khiến giá cau tại Việt Nam - nơi được xem là có giá rẻ hơn - cũng tăng ổn định trên 6 tháng qua. Đến tháng 9, giá cau Việt Nam lên đỉnh, cao nhất từ trước đến nay, có lúc vượt 85.000 đồng một kg ở Quảng Ngãi, gần 100.000 đồng ở Quảng Nam (hiện giá tạm thời quay đầu giảm còn khoảng 30.000 đồng, tại Trung quốc là 220.000 đồng).
Lý giải nguyên nhân giá cau lên "cơn sốt", Tuần báo Miền Nam (Southern Weekly), tờ báo có 1,7 triệu độc giả, trụ sở ở Quảng Đông, cho rằng giá tăng cao do bệnh vàng lá trên cây ngày càng nghiêm trọng, khiến cau nước này bị giảm sản lượng.
Đến tháng 9, cơn bão Yagi với tên Trung Quốc là Ma Kết một lần nữa gây thiệt hại cho người trồng cau với nhiều vườn bị ngã đổ, nhiều hình ảnh, video được cư dân mạng nước này chia sẻ trên Douyin (Tiktok Trung Quốc).
Đảo Hải Nam là vùng nguyên liệu chính, chiếm từ 90-99% tổng sản lượng cau của Trung Quốc. Sau khi nguồn cung tại đây bị giảm mạnh, các thương lái nước này thường nhập thêm cau từ Indonesia và Việt Nam với giá thấp hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Dữ liệu từ Tridge, công ty chuyên phân tích dữ liệu nông nghiệp & thực phẩm, dựa vào mã số hàng hóa, cho thấy năm 2023, Trung Quốc nhập 5,66 triệu USD cau từ Indonesia và 5,13 triệu USD (khoảng 128 tỷ đồng) từ Việt Nam.
Đường đi của quả cau tươi, phần lớn cau của Việt Nam được nhập sang Trung Quốc. Ảnh: Tridge.com
Hiện nay trên thế giới, Ấn Độ là nước có diện tích, sản lượng cau và thị trường tiêu thụ lớn nhất, chủ yếu nhập nguyên liệu từ Srilanka, Indonesia, Myanmar, Bangladesh... theo phân tích trên website của Ban Quản lý Phát triển Cau & Gia vị (DASD) thuộc Bộ Nông nghiệp & Phúc lợi Nông dân Ấn Độ.
Điều này tương đồng với khảo sát của VnExpress khi đa số các thương lái cho biết thị trường tiêu thụ chủ yếu của cau Việt Nam là Trung Quốc, còn Ấn Độ thu mua thấp. Tuy nhiên đa số cau qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên khó có thống kê chính xác về con số cau thực nhập từ Việt Nam.
Và đằng sau cơn sốt giá ngắn hạn ấy là ngành công nghiệp sản xuất cau với giá trị tổng sản lượng hàng trăm tỷ nhân dân tệ (khoảng 14 tỷ USD) từ trồng trọt, chế biến đến công nghiệp phụ trợ, tăng trưởng ấn tượng trong hàng chục năm qua của Trung Quốc.
Ngành công nghiệp tỷ USD của Trung Quốc
Cây cau phù hợp với khí hậu nhiệt đới, vốn có nguồn gốc Đông Nam Á nhưng hiện được trồng ở nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam... Cau gắn với tục ăn trầu như một truyền thống văn hóa.
Ông Cát Kiến Bang, nhà khoa học trưởng của hệ thống công nghệ ngành công nghiệp cau ở tỉnh Hải Nam giới thiệu quy trình kiểm soát chất lượng trầu cau, tháng 9/2024. Ảnh: ChinaDaily
Ở đảo Hải Nam, cau đã có lịch sử khoảng 1.000 năm. Nhà thơ Tô Đông Pha thời nhà Tống từng làm thơ ghi chép về loài cây này. Đến thế kỷ 20, việc tiêu thụ trầu cau từ một lễ nghi truyền thống đã trở thành đại trà. Từ những năm 1990, ngành cau của Trung Quốc bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, với đầu ra là sản phẩm quen thuộc trong những năm gần đây: kẹo cau.
Về sản xuất, vai trò được phân chia tương đối rõ ràng, tỉnh Hải Nam chuyên về trồng trọt, còn tỉnh Hồ Nam là trung tâm chế biến.
Báo cáo của Qichacha - một công ty phân tích dữ liệu của Trung Quốc - cho thấy từ năm 2014 đến nay, mỗi năm có hàng trăm đến hàng nghìn doanh nghiệp liên quan đến ngành cau đăng ký mới, cùng với đó là các công ty bị giải thể. Đến tháng 6 năm nay, Trung Quốc có hơn 15.000 doanh nghiệp liên quan tới chuỗi sản xuất cau. Trong đó đứng đầu là tỉnh Hồ Nam với 6.571 doanh nghiệp, thứ hai là tỉnh Hải Nam với 6.149 doanh nghiệp.
Đáng chú ý, năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký mới ở mảng này đạt kỷ lục với 3.292 doanh nghiệp. Hai năm qua số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm sâu chỉ còn một phần ba.
Về thị trường tiêu thụ, truyền thông Trung Quốc ước tính nước này có 60 triệu người ăn trầu. Cây cau với thành phần arecoline mang đến cảm giác hưng phấn, tỉnh táo, giải tỏa căng thẳng nên được tiêu dùng rộng rãi. Ngoài ra, một phần là nhờ các chiến dịch quảng cáo trên truyền hình do các doanh nghiệp lớn trong ngành tài trợ.
Báo cáo của công ty tư vấn Frost & Sullivan về thuốc lá và trầu cau ở Trung Quốc, cho thấy doanh số bán sản phẩm từ hạt cau (chủ yếu là kẹo) tại Trung Quốc đã tăng từ khoảng 2,71 tỷ gói năm 2019 lên khoảng 3,36 tỷ gói năm 2021. Tuy nhiên, do tác hại của cau (chất arecoline có thể gây ung thư) được công chúng biết đến, doanh số bán các sản phẩm cau ở Trung Quốc đã giảm từ khoảng 3,36 tỷ gói năm 2021 xuống còn khoảng 2,7 tỷ gói năm 2022, giảm 19,6% so với năm trước.
Đến năm 2023, doanh số bán sản phẩm trầu cau của Trung Quốc đạt xấp xỉ 2,63 tỷ gói, với tốc độ giảm chậm lại đáng kể, giảm 2,6% so với năm trước.
Chỉ riêng công ty Kouweiwang (Khẩu Vị Vương), đơn vị dẫn đầu ngành từ 2021 đến 2023 đã bán được 1,13 tỷ gói (mỗi gói từ 26 đến 88 gam), với giá mỗi gói 30 đến 100 nhân dân tệ (tương đương 100.000-350.000 đồng).
Theo ChinaDaily, từ năm 2011 đến 2018, giá trị tổng sản lượng của ngành này tăng từ 55,8 tỷ lên 78,1 tỷ nhân dân tệ. Tháng 9 vừa qua, tại Hội nghị thượng đỉnh về công nghệ quản lý và trồng cau Trung Quốc, ông Cát Kiến Bang, nhà khoa học trưởng của hệ thống công nghệ ngành công nghiệp cau ở tỉnh Hải Nam, cho biết tổng giá trị sản lượng của toàn chuỗi đạt 120-130 tỷ nhân dân tệ (14 tỷ USD), chứng tỏ tiềm năng kinh tế và sức sống trên thị trường của ngành này, theo tường thuật của báo chí Trung Quốc.
Để đáp ứng đầu vào, diện tích cau ở đảo Hải Nam cũng tăng lên. Niên giám thống kê của tỉnh Hải Nam (được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Hải Nam) cho thấy từ năm 2005 đến 2022, diện tích trồng cau của tỉnh này tăng lên gấp 6 lần. Cụ thể năm 2005 toàn tỉnh có 47.714 ha, đến năm 2022 diện tích tăng lên 181.654 ha (gấp 180 lần xứ ngàn cau Sơn Tây của Quảng Ngãi, Việt Nam). Kéo theo đó, sản lượng cau tươi tăng từ 64.338 tấn lên 294.831 tấn. Cau trở thành một trong những mặt hàng kinh tế chủ lực của hòn đảo này với hơn 2,3 triệu người trồng.
Vẫn nhiều thách thức
Theo ông Cát Kiến Bang, bên cạnh việc phát triển nhanh chóng, ngành trồng cau cũng đang đối mặt nhiều thách thức. Hiện nay, ngành chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như chính sách, bệnh vàng lá, khí hậu, diện tích trồng không ngừng tăng nhưng năng suất trên một đơn vị diện tích lại giảm. Đặc biệt, sự lây lan của bệnh vàng lá cau đã hạn chế nghiêm trọng sự phát triển lành mạnh của ngành và trở thành nút thắt kỹ thuật cần được giải quyết khẩn cấp.
Tuần báo Miền Nam, miêu tả căn bệnh này khiến huyện Vạn Ninh từ vị thế vùng trồng cau lớn nhất nhì đảo Hải Nam đã rớt xuống vị trí thứ tư dù người dân trồng lại diện tích mới thay thế. Căn bệnh đã xuất hiện từ năm 1981 nhưng đến nay các nhà khoa học và quản lý vẫn chưa tìm ra cách khắc phục, thậm chí chưa thống nhất được nguyên nhân gây bệnh. Tờ báo nhận định đây là nguyên nhân khiến giá cau năm nay ở đảo Hải Nam tăng cao.
Ông Trần Ngọc Tuấn, nhà nông học cấp cao tại Trạm Bảo vệ Thực vật tỉnh Hải Nam, trong báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh về ngành cau hồi tháng 9 thống kê, tại Hải Nam, 60% số cau đang ở tình trạng năng suất thấp, mỗi cây cho năng suất từ 5 đến 25 kg. Cây cau năng suất cao chỉ chiếm 5%, trọng lượng trung bình khoảng 41-60 kg mỗi cây.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng với việc áp dụng các phương pháp quản lý trồng trọt khoa học, sử dụng hợp lý phân bón và thuốc, sản lượng cau của Hải Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng lớn.
Thách thức khác với ngành cau là lo ngại về sức khỏe từ phía người tiêu dùng và chính sách. Từ năm 2003, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư (IARC) của Tổ chức Y tế thế giới WHO đã liệt kê chất arecoline, thành phần của quả cau vào chất gây ung thư.
Một bài báo trên ChinaDaily cho biết năm 2017, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Nhà nước đã công bố arecoline vào danh sách chất gây ung thư. Đến năm 2020, "Danh mục phân loại giấy phép sản xuất thực phẩm" của Cơ quan quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc đã loại quả cau ra khỏi danh mục thực phẩm. Có nghĩa là cau không được cấp phép và giám sát như một loại thực phẩm.
Năm 2021, Cục Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Trung Quốc cũng đã ra lệnh cấm sử dụng các chương trình phát thanh, truyền hình và trực tuyến để quảng cáo trầu cau. Điều này góp phần làm giảm doanh số tiêu thụ cao vào năm 2022 đến 19,6%. Tuy nhiên, các công ty trong ngành vẫn tìm cách quảng cáo trên các nền tảng không chính thống. Tốc độ giảm doanh số chậm lại trong năm 2023.
Trên các diễn đàn tiếng Trung, ngành cau là chủ đề gây tranh cãi trong những năm qua. Bởi ngành sản xuất "quả vàng xanh" đang đứng giữa một bên là lo ngại sức khỏe, một bên quy mô trăm tỷ nhân dân tệ, với ngành nông nghiệp ảnh hưởng tới hơn 2,3 triệu dân ở đảo Hải Nam và chuỗi công nghiệp chế biến và thói quen tiêu thụ đã ăn sâu vào đời sống của 60 triệu người.
Phạm Linh