Tại Kon Tum, anh Thành, một nông dân gắn bó nhiều năm với cây cà phê, cho biết năm ngoái mức giá cà phê tươi tại ruộng đạt 30.000 đồng một kg, cao gấp gần ba lần năm trước. Với sản lượng 27 tấn một ha, gia đình anh thu về hơn 800 triệu đồng từ một vụ cà phê (đã trừ các chi phí).
Các tỉnh ở Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Lăk cũng có những mùa bội thu khi nhiều hộ gia đình đạt thu nhập hàng tỷ đồng nhờ giá cà phê tăng cao và sản lượng ổn định.
Một số nông dân còn quyết định giữ lại sản phẩm, chờ giá tăng thêm. Chính quyền địa phương và các hợp tác xã tại những tỉnh này đã tích cực hỗ trợ nông dân trong việc bảo quản nông sản và tìm kiếm đầu ra, nhờ đó giá trị cà phê được nâng cao đáng kể.
Vụ thu hoạch cà phê hồi tháng 12/2024 tại đồi nhà anh Thành ở Kon Tum: Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngoài cà phê, sầu riêng tiếp tục khẳng định vị thế là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD năm 2024, mức kỷ lục.
Ông Hùng ở Cần Thơ cho hay nhờ áp dụng kỹ thuật hiện đại trên 2 ha sầu riêng, gia đình ông đã thu về lợi nhuận hàng tỷ đồng. Theo ông, việc bón phân định kỳ, kiểm soát côn trùng bằng biện pháp sinh học và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động đã giúp vườn cây cho năng suất cao, trái đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ở Đồng Tháp, anh Thanh Tâm cũng đạt được thành công tương tự trên 1,2 ha đất trồng sầu riêng, bất chấp nền đất phèn khó canh tác. Anh nhấn mạnh rằng, kỹ thuật hiện đại đã giúp đối phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Hiện Đăk Lăk là nơi trồng sầu riêng khá lớn, diện tích khoảng 33.000 ha, trong đó 20.000 ha cho thu hoạch với sản lượng khoảng 350.000 tấn. Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đăk Lăk, cho biết năm 2025, giá trị sầu riêng của tỉnh đạt gần 2.500 tỷ đồng, giúp nhiều hộ dân có thu nhập cao. Thậm chí, có những hộ chỉ trồng 5 sào cũng lãi 300-500 triệu đồng mỗi năm.
"Việc chuyển đổi sang trồng sầu riêng ở các vùng đất phù hợp đã nâng cao đời sống người dân rõ rệt, trong đó nhiều hộ gia đình sắm ôtô và xây nhà mới", ông nói.
Tại Tiền Giang, theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích sầu riêng đạt hơn 19.900 ha, với sản lượng khoảng 355.000 tấn mỗi năm. Ông cho rằng đây là cây trồng có tiềm năng rất lớn, mang lại thu nhập bình quân khoảng 1,7 tỷ đồng mỗi ha, giúp người dân có động lực chuyển đổi canh tác.
Vườn của Tâm trở thành nơi chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng với nhiều nông dân trong vùng. Ảnh: Ngọc Tài
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thuỷ sản năm 2024 đạt 62,4 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đề ra. Rau quả dẫn đầu với 7,2 tỷ USD, vượt qua gạo, trong khi cà phê cũng đạt 5,5 tỷ USD, tăng gần 32% so với năm trước. Mặc dù sản lượng cà phê giảm 15% do thời tiết, giá trị xuất khẩu lại tăng mạnh nhờ xu hướng tiêu dùng cà phê chất lượng cao trên thế giới và sự đầu tư vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhìn nhận sự tăng trưởng này là nhờ vào việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản nông sản. Các hiệp định thương mại tự do cũng đã mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng, sự hợp tác chặt chẽ giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu và chính quyền địa phương đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường.
Những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là điểm đến chính của nông sản Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh.
Năm 2025, các chuyên gia dự báo ngành nông nghiệp đạt kim ngạch từ 64-65 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp và người trồng đang tích cực đầu tư vào hệ thống bảo quản lạnh, hợp tác quốc tế và áp dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường toàn cầu.
Thi Hà