Theo ước tính của Goldman Sachs, nhờ giai đoạn đại dịch, khối tiền tiết kiệm của người dân Trung Quốc đã gia tăng, đưa tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình năm ngoái lên mức cao nhất trong nhiều năm là 33% GDP, tăng 3 điểm phần trăm so với 2019 (giai đoạn trước dịch).

Phía doanh nghiệp cũng có tích lũy. Theo ngân hàng đầu tư China International Capital, các công ty công nghiệp lớn - nhiều công ty thuộc sở hữu nhà nước - đã bổ sung trung bình 1.100 tỷ USD tài sản lưu động mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 467 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm trước khi có Covid.

Ở Mỹ, tiết kiệm tăng thêm so với mức thông thường - một số từ các đợt phát tiền của chính phủ - nhanh chóng chảy vào nền kinh tế. Nhưng nhiều chuyên gia tự hỏi liệu điều này có diễn ra tương tự ở Trung Quốc để giúp chi tiêu phục hồi mạnh mẽ năm nay hay không?

Các nhà kinh tế từ HSBC và Morgan Stanley cho biết việc chấm dứt các chính sách chống dịch nghiêm ngặt sẽ thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trong chi tiêu dịch vụ. Họ kỳ vọng tăng trưởng tiêu dùng năm nay ít nhất khoảng 8%, tương đương trước dịch. Dữ liệu ban đầu từ dịp Tết Nguyên đán vừa qua cho thấy một số người tiêu dùng đã háo hức ra ngoài ăn tối và quay lại rạp phim.

63db19cea31057c4b4b44897-jpeg-9599-3220-1677573242.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hhrig7GlIveKHeL0-7Mf8A

Người tiêu dùng mua sắm hàng miễn thuế ở Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc ngày 26/1. Ảnh: VCG

Nhưng các nhà kinh tế khác hoài nghi hơn. Họ lập luận rằng cảm giác bất an khó đảo ngược nhanh chóng. Nhiều người tiêu dùng vẫn lo lắng vì thị trường nhà ở ảm đạm và bức tranh việc làm bấp bênh, có thể khiến họ tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn trong thời gian dài.

"Còn quá sớm để kết luận rằng các khoản tiết kiệm dư thừa do các hộ gia đình tích lũy trong dịch sẽ hỗ trợ dài hạn cho chi tiêu", David Wang, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Credit Suisse, cho biết.

Phục hồi tiêu dùng chậm ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến toàn cầu, làm giảm doanh số bán hàng của các công ty như Nike, Starbucks và các nhà sản xuất ôtô quốc tế, đồng thời dẫn đến nhu cầu đối với các hàng hóa như đồng và niken thấp hơn dự kiến.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhiều doanh nghiệp đang trông cậy vào Trung Quốc, quốc gia được dự đoán sẽ chiếm một phần ba tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, khi tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu chậm lại.

Không rõ chính xác số tiền tiết kiệm tăng thêm của Trung Quốc lớn đến mức nào, vì mỗi đơn vị có phương pháp khác nhau để tính toán. Goldman Sachs tin rằng các gia đình Trung Quốc đã tích lũy được thêm khoảng 3.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 431 tỷ USD, hoặc ít hơn 3% GDP vào giai đoạn 2020 - 2022. Nomura và UBS đưa ra con số cao hơn, tương ứng là 6.100 và 4.600 tỷ nhân dân tệ, tương đương 5% và gần 4% GDP.

Các con số này khá lớn nhưng vẫn thấp hơn Mỹ, nơi các hộ gia đình tiết kiệm thêm được 2.300 tỷ USD giai đoạn 2020 đến tháng 9/2021, tương đương gần 10% GDP của năm 2021, theo Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Ngoài ra, theo công ty nghiên cứu Rhodium, một phần lớn các khoản tiền gửi mới được các hộ gia đình Trung Quốc tích lũy vào năm ngoái là nằm trong các công cụ tiền gửi có kỳ hạn từ 3 năm đến 5 năm, vốn không thể dễ dàng chuyển đổi thành chi tiêu ngay lập tức như các khoản tiền gửi ngắn hạn.

Tao Wang, nhà kinh tế tại UBS, cho biết chính phủ Trung Quốc hạn chế phát tiền mặt trực tiếp cho các hộ gia đình trong đại dịch, nên có thể mất một thời gian trước khi mọi người tin tưởng hơn vào sự phục hồi và sẵn sàng lấy tiền tiết kiệm ra mua sắm. Cùng với đó, các nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng thu nhập và thị trường việc làm đều đang phục hồi chậm nên có thể ảnh hưởng đến sức chi tiêu.

Zhou Changtian, làm việc tại một nhà xuất bản quốc doanh ở Thượng Hải, đã tiết kiệm được nhiều hơn trong ba năm qua vì gia đình không thể đi du lịch nước ngoài. Dù không quá lo lắng về công việc, anh cũng không muốn phung phí, một phần vì lo ngại lạm phát khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

"Chúng tôi từng tốn 1.000 nhân dân tệ (khoảng 145 USD) để dự trữ thịt trong tủ lạnh trước Covid. Bây giờ chúng tôi phải trả gấp đôi. Tôi chắc chắn sẽ không tiêu xài phung phí", Zhou nói.

Một số công ty đang tăng chi tiêu với dự đoán về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Đơn cử như Ganfeng Lithium – một trong những nhà luyện kim lớn nhất thế giới – tháng trước đã tiết lộ khoản đầu tư 15 tỷ nhân dân tệ (2,2 tỷ USD) để xây dựng hai nhà máy pin ở Trung Quốc.

Dù vậy, Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, vẫn tỏ ra thận trọng về khả năng chi tiêu của doanh nghiệp. Ông dự đoán tổng chi tiêu vốn năm nay sẽ không thay đổi so với 2022, một phần là do các công ty xuất khẩu vẫn cảm thấy không chắc chắn khi nhu cầu ở nước ngoài suy yếu.

Và mặc dù các công ty lớn có thể tiết kiệm tiền bằng cách trì hoãn đầu tư trong thời kỳ đại dịch, nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn của Trung Quốc đã phải tiết kiệm để tồn tại. Không ít trong số họ vẫn bấp bênh hoặc đã bị xóa sổ.

Nathan Zhang, chủ một nhà hàng ở Bắc Kinh, đã không thể thanh toán cho nhà cung cấp rượu và thức ăn, vì quán của ông đã bị buộc phải đóng cửa hoặc bán hạn chế nhiều lần vì Covid-19. Mặc dù những hạn chế đó giờ chấm dứt, Zhang ước tính đã mất khoảng 10% đến 20% lượng khách hàng thường xuyên. "Mặc dù chúng ta nuôi hy vọng rằng điều tồi tệ nhất đã qua, nhưng vẫn còn quá nhiều điều không chắc chắn", ông nói.

Phiên An (theo WSJ)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022