SCGP - một công ty thành viên của SCG Group (Thái Lan), vừa thông báo đã mua lại 70% vốn của Công ty cổ phần Starprint Việt Nam (SPV). Việc đầu tư được thực hiện thông qua SCGP Solutions - công ty con 100% vốn của SCGP. Tổng vốn đầu tư hơn 676 tỷ đồng, tương đương hơn 987 triệu baht. Như vậy, SPV được định giá khoảng 965 tỷ đồng.

Trước đó, hồi cuối tháng 4, doanh nghiệp Thái từng cho biết đang mua lại 70% vốn của Starprint Việt Nam với giá 1,53 tỷ baht. Ban đầu, mọi thủ tục dự kiến được hoàn thành trong quý III.

Wichan Jitpukdee - CEO của SCGP, cho biết thương vụ trên giúp mở rộng dấu ấn của họ trong lĩnh vực bao bì tại Việt Nam, một thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao đồng. Đồng thời, sở hữu SPV còn giúp nâng cao năng lực giải pháp đóng gói của SCGP để phục vụ cơ sở khách hàng ngày càng mở rộng tại khu vực ASEAN.

Kết quả kinh doanh và chỉ tiêu tài chính của SPV sẽ được hợp nhất từ tháng 1/2024 trở đi. Sau thương vụ, ngoài SCGP, Starflex - một công ty bao bì mềm nổi tiếng có trụ sở tại Thái Lan, cũng nắm giữ 25% cổ phần, số còn lại do cổ đông trước đây của công ty nắm giữ. Như vậy, tổng cộng người Thái sở hữu đến 95% tại SPV.

Starprint Việt Nam hoạt động từ năm 2001. Đây là nhà sản xuất bao bì carton in offset hàng đầu tại Việt Nam, với tổng công suất 16.500 tấn in offset và 8 triệu hộp cứng mỗi năm từ hai cơ sở sản xuất đặt tại Khu công nghiệp Long Bình (Amata) ở Đồng Nai. Khách hàng của doanh nghiệp này chủ yếu là các công ty trong nước và đa quốc gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh và tăng trưởng cao như Unilever, Colgate, Nestle, Heineken, P&G, Walmart, Trung Nguyên...

Năm 2022, SPV ghi nhận doanh thu 1.013 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế là 92,5 tỷ đồng. Công ty có tổng tài sản khoảng 601 tỷ đồng.

assembly-2-scaled-1703232342-4653-1703232349.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LRmf2EzFtvtnlSOL39tGlw

Công nhân đang làm việc tại nhà máy của Starprint Việt Nam. Ảnh: SPV

Đây không phải là lần đầu tiên SCG Group thâu tóm ngành bao bì Việt Nam. "Đại gia" Thái có mặt từ hơn một thập kỷ và tăng tốc trong nửa cuối năm 2020. Cũng tương tự mảng xi măng - vật liệu xây dựng hay hóa dầu, SCG khởi đầu bằng các liên doanh nhưng sau đó mở rộng quy mô nhanh hơn bằng các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A).

Cuối tháng 2/2021, doanh nghiệp này mua 70% cổ phần của Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân - một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường về các sản phẩm bao bì nhựa cứng. Trước đó, vào tháng 12/2020, SCG cũng thâu tóm Công ty Bao bì Biên Hòa (SVI) - nhà máy sản xuất bao bì giấy gợn sóng đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài ra, "đại gia" xứ chùa vàng còn nắm trong tay Công ty Giấy Kraft Vina - nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam, Công ty Bao bì nhựa Tín Thành (Batico), Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Bao bì AP, Công ty Sản xuất Bao bì Alcamax và Công ty Packamex.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022