Hôm 15/3, các công ty lớn nhất Nhật Bản đã đồng ý nâng lương cho người lao động thêm 5,28% trong năm 2024. Đây là mức tăng mạnh nhất trong 33 năm qua, theo Rengo - công đoàn lớn nhất nước này. Đây cũng là lần đầu tiên trong 30 năm, mức tăng vượt 5%.
Rengo đại diện cho 7 triệu lao động Nhật Bản, chủ yếu tại các công ty lớn. Trước đó, họ đặt mục tiêu tăng lương cơ bản hơn 3% năm nay. Giới phân tích thì dự báo mức tăng là hơn 4%, sau số liệu năm ngoái là 3,6%.
Tin tức này càng củng cố quan điểm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ sớm chấm dứt chính sách lãi suất âm đã áp dụng 8 năm qua. BOJ sẽ họp chính sách ngày 18-19/3.
Công nhân trong một nhà máy của Toyota tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Gần đây, quan chức BOJ liên tiếp khẳng định thời điểm chuyển hướng chính sách sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc đàm phán lương năm nay. Giới chức kỳ vọng việc tăng lương sẽ thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình, từ đó kéo tăng trưởng kinh tế đi lên. Nhật Bản từng bị đẩy đến bờ vực suy thoái cuối năm ngoái.
GDP quý IV/2023 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,1% so với quý trước đó. Dù vậy, tiêu dùng vẫn giảm, với 0,3% trong quý cuối 2023, nhiều hơn ước tính tháng trước. Số liệu này đã đi xuống 3 quý liên tiếp.
Trong cuộc họp báo, Chủ tịch Rengo Tomoko Yoshino cho biết việc bất bình đẳng thu nhập gia tăng, lạm phát và thiếu lao động là các nguyên nhân chính khiến mức tăng năm nay lớn như vậy. Các doanh nghiệp Nhật Bản từ lâu đã đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, do già hóa dân số.
Yoshino dự báo các lao động bán thời gian có thể còn được tăng 6%. Ông cũng cho rằng Nhật Bản đang ở giai đoạn quan trọng để hồi sinh kinh tế.
Sau các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản cũng sẽ thực hiện đàm phán lương. Quá trình này dự kiến kết thúc vào cuối tháng 3. Mức tăng có thể thấp hơn nhóm doanh nghiệp lớn.
Hà Thu (theo Reuters)