Vài giờ trước khi thị trường châu Á mở cửa, giới chức Thụy Sĩ chạy đua tìm phương án giải cứu Credit Suisse. Hai lựa chọn được đưa ra là quốc hữu hóa hoặc chấp thuận phương án mua lại từ UBS.

Kết quả là, theo nguồn tin của Bloomberg, UBS Group đã đồng ý trả hơn 2 tỷ USD cho Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, vốn là đối thủ của họ.

Theo Financial Times, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đồng ý cung cấp hạn mức thanh khoản trị giá 100 tỷ USD cho UBS như một phần của thỏa thuận. Giới chức nước này cũng sẵn sàng thay đổi luật để bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của cổ đông khi UBS mua lại Credit Suisse.

Thương vụ này là một thỏa thuận mua cổ phần và được định giá bằng một phần quy mô vốn hóa của Credit Suisse, ước tính khoảng 7,4 tỷ franc (8 tỷ USD) theo giá chốt phiên cuối tuần trước.

1x-1-png-2999-1679247436.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PI6nIpCwxVri-RY2rOfVqw

Chênh lệch vốn hóa của Credit Suisse và UBS. Ảnh: Bloomberg

Credit Suisse là cái tên gây sự chú ý của thị trường tài chính toàn cầu tuần qua, sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng nhỏ hơn tại Mỹ. Nhà đầu tư liên tục bán tháo khiến cổ phiếu của nhà băng này giảm xuống mức đáy. Việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bơm tiền cho nhà băng này chỉ chặn lại đà giảm trong thời gian ngắn.

UBS đã chịu áp lực từ chính quyền nước này trong việc tiếp quản Credit Suisse để kiểm soát cuộc khủng hoảng.

Trước đó vài giờ, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ đề nghị mua lại Credit Suisse giá 1 tỷ USD, với tỷ lệ hoán đổi một cổ phiếu Credit Suisse tương đương 0,25 franc Thụy Sĩ, thấp hơn nhiều mức giá đóng cửa hôm thứ Sáu, là 1,86 franc Thụy Sĩ, theo Financial Times.

Đổi lại UBS đưa ra yêu cầu chính phủ phải hỗ trợ họ 6 tỷ USD. Khoản tiền này được dùng để trang trải chi phí đóng cửa các chi nhánh của Credit Suisse và các khoản phí kiện tụng tiềm ẩn.

Đề nghị này của UBS thấp hơn đáng kể so với vốn hoá của Credit Suisse khi chốt phiên cuối tuần qua ở mức 8 tỷ USD. Tuy nhiên, nhà băng lớn nhất Thụy Sĩ sẽ phải chịu thêm những chi phí lớn chưa xác định, cũng như sự phức tạp của việc hợp nhất hai ngân hàng. Một số khách hàng giàu có gửi tiền ở cả Credit Suisse và UBS, nên sau khi sáp nhập hai ngân hàng, một số người có thể rút tiền để chuyển sang bên khác để đa dạng hoá.

credit-suisse-jpeg-9208-1679234075.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SP2CiFf-miq_Io0NaCNo9g

Bên ngoài văn phòng của Credit Suisse ở Zurich (Thụy Sĩ). Ảnh: Reuters

Credit Suisse thành lập năm 1856 và là ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, sau UBS. Vài năm gần đây, nhà băng này liên tiếp chịu nhiều đòn giáng, từ thua lỗ đầu tư, vướng vào nhiều scandal kiện tụng, cắt giảm hàng loạt nhân sự đến thay đổi lãnh đạo. Năm ngoái, họ lỗ ròng gần 7,3 tỷ franc Thụy Sĩ (7,9 tỷ USD) - lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.

Quý cuối năm ngoái, các khách hàng đã rút ra hơn 100 tỷ USD do lo ngại sức khỏe tài chính của Credit Suisse. Việc rút vốn vẫn tiếp tục dù họ đã huy động được thêm 4 tỷ franc từ các cổ đông.

Minh Tuấn Tú (theo Finance Times, WSJ, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022