Chiều 30/10, chị Nguyên (Yên Phụ, Tây Hồ) tính đi đổ xăng để đỡ phải chờ đợi lâu vào đầu giờ sáng đi làm ngày thứ Hai, nhưng đi tới hai cây xăng trên đường Thuỵ Khuê đều được báo "hết xăng, chỉ còn dầu".

Tại cây xăng thuộc hệ thống của Công ty Nam Triệu, nhân viên tại đây cho biết phải chiều tối xe bồn mới được phép vào thành phố, hàng mới được tiếp thêm. Khoảng 18 giờ, cây xăng này được tiếp nhiên liệu, nhân viên cất biển thông báo và bán bình thường trở lại. Tuy nhiên, do lượng hàng về ít nên cửa hàng chỉ bán cho xe máy, không hạn chế lượng bán, và từ chối tiếp ôtô.

"Chờ gần một ngày mới có ít hàng về, ôtô đổ thường nhiều, nếu bán lại hết mà hàng thì chưa về kịp", nhân viên cây xăng này giải thích.

-4240-1667132027.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YarKYz3xBxgaJ27zfXY4Vg

Nhân viên cây xăng trên đường Thuỵ Khuê (Tây Hồ) gỡ biển thông báo "hết xăng" sau khi cửa hàng này được tiếp thêm nhiên liệu, chiều tối 30/10. Ảnh: Minh Sơn

Cách đó không xa, cây xăng của Công ty cổ phần Xăng dầu HFC không treo biển hết hàng, nhưng căng dây chặn lối vào. Khách hàng vừa táp vào cửa hàng thì nhân viên trực xua tay báo "hết hàng, không bán".

Không riêng tại khu vực tây thành phố, cảnh "hết xăng, còn dầu" cũng tái diễn tại một số cửa hàng ở quận Hà Đông trong ngày 30/10.

Tại cây xăng thuộc hệ thống Công ty Nam Triệu trên đường Trần Phú (quận Hà Đông), nhân viên cho biết hàng hết từ sáng, và phải khoảng 23 giờ đêm xe bồn mới về kịp để tiếp thêm nhiên liệu. "Xe hỏng nên việc cấp hàng bị chậm trễ", anh này nói.

-5670-1667127838.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0_h0CZ35a5E0AtXe50bkqQ

Cây xăng trên đường Trần Phú, quận Hà Đông (Hà Nội) dựng biển tạm thời hết xăng, chiều 30/10. Ảnh: Nguyễn Hoan

Tương tự, một cây xăng khác trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) cũng không còn hàng để bán. Thường ngày vẫn qua đây nạp nhiên liệu vì gần nhà, anh Hoàng chưng hửng khi vừa tới, nhân viên đã xua tay, báo "hết", dù cửa hàng không treo biển, hay thông báo tạm ngừng bán.

"Cửa hàng đã hết nhiên liệu vài ngày nay và hiện không nhập được hàng. Không biết tới bao giờ mới có hàng về", một nam nhân viên vừa trông cửa hàng, vừa nói.

Anh Hoàng cho hay, nhân viên hướng dẫn anh tới cây xăng cách khoảng vài km, nhưng cũng không chắc còn hàng hay không. Chạy xe dọc đường Lê Trọng Tấn thêm khoảng 3 km, cửa hàng của Petro Miền Bắc vẫn bán bình thường, nhưng lượng người tới mua đông hơn thường ngày.

"Bình thường cửa hàng này tôi đi qua vắng, nhưng chiều nay cũng khá đông vì một số cây xung quanh hết hàng, người dân dồn sang đây", anh nói thêm.

Chia sẻ với VnExpress, giám đốc một doanh nghiệp phân phối sở hữu 20 cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội cho hay, hàng nhập hiện rất khó khăn. Ngay cả các đầu mối doanh nghiệp này ký hợp đồng, lấy hàng thường xuyên và lâu năm cũng báo khan hàng.

"Kinh doanh xăng dầu chưa bao giờ khó như bây giờ, có ít hàng nào về là cấp cho các cửa hàng, mỗi nơi một ít nhưng cũng chỉ đủ bán trong thời gian rất ngắn. Chúng tôi đang cố cầm cự để không phải đóng cửa nhưng không biết trụ thêm được bao lâu", ông bộc bạch.

-1153-1667127838.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zKVIGrWSwIOWqS7z3DLksQ

Khách vào đổ nhiên liệu nhưng đành quay ra vì nhân viên thông báo cửa hàng hết xăng, chiều 30/10. Ảnh: Nguyễn Hoan

Trong khi đó, ông Tùng, chủ một đại lý xăng dầu ở Hà Đông thông tin, vài ngày trở lại đây doanh nghiệp phân phối báo không có hàng để cấp. Hiện cửa hàng ông chỉ còn một bể khoảng 5.000 lít, bán được hơn một ngày là hết. "Bán hết mà vẫn chưa nhập thêm được hàng thì đành tạm đóng cửa", ông nói.

Thời điểm thị trường xăng dầu căng thẳng vừa qua, tình trạng khan hiếm cục bộ xảy ra đã dồn áp lực sang hệ thống phân phối của Petrolimex. Doanh nghiệp này cho biết, sản lượng bán nội địa đã tăng 20%, trong đó riêng bán lẻ tăng tới 26%.

Tại họp báo Chính phủ chiều qua (29/10), ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương cho rằng, thị trường xăng dầu năm nay diễn biến dị biệt, khi từ đầu năm tới tháng 6 giá tăng gần 58% so với cùng kỳ. Nhưng từ cuối tháng 6 đến tháng 9 lại giảm liên tục với biên độ lớn, song vẫn ở mức cao so với năm ngoái.

"Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó khăn, thua lỗ liên tục và phải cắt giảm chi phí kinh doanh, giảm mạnh chiết khấu bán hàng, nên đơn vị bán lẻ bị ảnh hưởng chi phí, giảm sản lượng", ông nói.

Ông Hải cho biết, Bộ Công Thương đã hai lần họp với các doanh nghiệp đầu mối, chủ thể đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Bộ đề xuất cơ quan quản lý điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu để tính đúng, đủ cho doanh nghiệp. "Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao nhưng lại chưa kịp thời tính đúng, tính đủ, nên doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới hạn chế lượng nhập khẩu, thua lỗ", Thứ trưởng Công Thương nhận xét.

Cùng đó, tín dụng thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá VND/USD tăng, doanh nghiệp tiếp cận ngoại tệ khó khăn nên nhập khẩu hàng càng khó. Doanh nghiệp đầu mối chủ yếu tập trung lượng cung ứng cho hệ thống và duy trì lượng tồn kho.

Đề cập tới hạn mức tín dụng cho xăng dầu, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước, cho rằng, hiện hạn mức này chưa hết, mới sử dụng khoảng một nửa so với dư nợ mà các ngân hàng dành cấp cho 16 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Vướng mắc theo Phó thống đốc, không do ngân hàng, mà ở phía doanh nghiệp. "Nhiều doanh nghiệp có phương án tài chính chưa hiệu quả, họ bị lỗ nên điều kiện vay vốn không tốt", ông Hà nói.

Trước thực tế hiện nay, Phó thống đốc cho biết, tại cuộc họp về thị trường xăng dầu do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì chiều 29/10, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát, tính toán để có giải pháp trước mắt, lâu dài tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung thị trường.

Liên quan tới quản lý, điều hành xăng dầu, giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 28/10 và tại tổ trước đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương, nhất là phía Nam, TP HCM là "điều rất đáng tiếc, bất thường".

Ông một lần nữa khẳng định tổng nguồn cung không thiếu, khi đầu tháng 10 cả nước có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu (gồm nguồn từ 2 nhà máy lọc dầu, dự trữ thương mại, nhập khẩu trong kỳ của 34 doanh nghiệp đầu mối) đủ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tới hết tháng 11. Chưa kể các nhà máy đang sản xuất, nhập khẩu tiếp theo kế hoạch.

Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nguồn cung trên thị trường có thiếu và việc nhập khẩu của doanh nghiệp đầu mối không đạt theo kế hoạch. Quý III, chỉ có 19 trong 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, giảm 40% với xăng và 35% với dầu so với quý trước.

Sắp tới, khi sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công Thương, gồm việc quyết định giá, chi phí định mức (hiện phần này đang do Bộ Tài Chính đảm trách). Việc này nhằm đảm bảo chủ động nguồn cung giữa đầu mối, phân phối và bán lẻ; chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết khó khăn, nguồn cung xăng dầu.

Anh Minh - Minh Sơn

Tin mới

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022