Thông tin nêu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Masan High-Tech Material (MHT) diễn ra ngày 22/4, tại Thái Nguyên. Đại diện doanh nghiệp cho biết, 2024 là năm đầy thử thách với cộng đồng doanh nghiệp khi thế giới đối mặt với biến động địa chính trị, bất ổn kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng biến động, nhu cầu tiêu dùng giảm, thiên tai diễn biến bất thường.
Trước bối cảnh này, MHT tập trung vào giá trị cốt lõi, củng cố nội lực, tối ưu sản xuất, kiểm soát chi phí, qua đó cải thiện hiệu quả vận hành. Nhờ chính sách này, doanh nghiệp đạt doanh thu 14.336 tỷ đồng (tương đương 641 triệu USD), tăng 2% so với năm 2023. Trong đó, mảng kinh doanh sản phẩm góp 1.442 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng nhờ nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng. Lợi nhuận EBITDA đạt 1.785 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.

Nhà máy chế biến khoáng sản Núi Pháo. Ảnh: MHT
Năm qua, MHT hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại H.C. Starck Holding GmbH cho Mitsubishi Materials Corporation với tổng giá trị 134,5 triệu USD. Thương vụ này mang lại cho doanh nghiệp lợi nhuận một lần gần 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2024. Khoản thu giúp công ty tái cấu trúc danh mục đầu tư, tập trung toàn lực vào các hoạt động cốt lõi, khai thác và tinh luyện kim loại có biên lợi nhuận cao tại Việt Nam.
Bên cạnh tối ưu nguồn lực, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới để xử lý hơn 100.000 tấn tinh quặng sulphide tồn kho, thông qua tách chiết kim loại quý, mở ra nguồn doanh thu mới với chi phí đầu tư hợp lý. Danh mục sản phẩm của MHT đa dạng và chuyên biệt, từ APT tinh khiết cao, Bismut 4N (99,99%), Ammonium Metatungstate (AMT) đến Molybdenum thu hồi từ chất thải. Đây là những sản phẩm tiên tiến, phục vụ chuỗi cung ứng công nghệ cao và năng lượng tái tạo toàn cầu.

Các kỹ sư làm việc tại nhà máy tinh luyện vonfram. Ảnh: MHT
Trong năm 2024, Nhà máy chế biến sâu Vonfram Masan (MTC) của đơn vị tiếp tục được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là "Doanh nghiệp Công nghệ cao" cho giai đoạn 2025-2029. Đại diện MHT cho biết, sự công nhận này đến từ thành tựu nổi bật trong công nghệ chiết xuất tiên tiến và các sản phẩm Vonfram tinh khiết cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Doanh nghiệp cũng đẩy mạnh thực hiện các sáng kiến ESG và chương trình vì cộng đồng. MHT tiết kiệm hơn 8.000 GJ năng lượng, tái sử dụng 76% lượng nước và phủ xanh 64 ha đất sau khai thác. Bên cạnh đó, công ty đầu tư 3,3 tỷ đồng cho các dự án an sinh xã hội, giáo dục và khuyến nông, hỗ trợ hơn 3.500 người dân qua chương trình tạo sinh kế. Năm 2024, MHT tiếp tục là doanh nghiệp đóng góp ngân sách cao nhất tỉnh Thái Nguyên với 860 tỷ đồng.

Ông Ashley McAleese, Tổng giám đốc Masan High-Tech Materials phát biểu tại đại hội. Ảnh: MHT
Tại đại hội, đại diện MHT cho biết, thị trường khoáng sản toàn cầu đang bước vào giai đoạn tái định hình khi Trung Quốc siết chặt xuất khẩu các khoáng sản quan trọng như vonfram, bismut và florit. Động thái này thúc đẩy các quốc gia tìm kiếm nguồn cung thay thế ổn định và đáng tin cậy ngoài Trung Quốc. Nhờ đó Masan High-Tech Materials có cơ hội trở thành đối tác chiến lược của các tập đoàn, ngành công nghiệp trên toàn cầu. Đặc biệt, sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng vào tháng 4/2025, toàn bộ danh mục xuất khẩu của MHT bao gồm oxit vonfram, bismut và acidspar đều không thuộc diện chịu thuế, mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho công ty trên các thị trường trọng điểm.
Giai đoạn tới MHT sẽ hướng đến chiến lược "Back to basics - Tập trung vào giá trị cốt lõi". Theo đó, doanh nghiệp tiếp tục củng cố nền tảng vốn có là khai thác, chế biến khoáng sản, nhằm tạo giá trị bền vững cho cổ đông và đối tác.
Ông Ashley McAleese, Tổng giám đốc Masan High-Tech Materials, khẳng định từ năm 2024, công ty tập trung tối ưu hóa vận hành, tăng cường kỷ luật tài chính để đảm bảo biên lợi nhuận ổn định. Năm nay, đơn vị dự kiến triển khai đồng bộ các sáng kiến trọng điểm, mở rộng khai thác, tối ưu hóa tài nguyên, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Hoàng Đan