Cuối tháng 2/2022, Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Phương Tây ngay sau đó đáp trả bằng hàng loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ lên hệ thống tài chính Nga, khiến nền kinh tế này rơi vào hỗn loạn.

Biện pháp đáng chú ý nhất là việc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada loại hàng loạt ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Nửa khối dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài, tương đương khoảng 300 tỷ USD, cũng bị phong tỏa.

Chỉ trong vài ngày, đồng ruble xuống thấp kỷ lục so với USD, khi 139 ruble mới đổi được một USD. Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi suất lên gấp đôi. Sàn chứng khoán Moskva cũng phải đóng cửa trong vài ngày.

Trong một thông báo khi đó, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho biết Nga sẽ phải nhận "những hậu quả khủng khiếp và nghiêm trọng". Giới kinh tế học toàn cầu dự báo GDP nước này năm 2022 sẽ lao dốc. Vài tuần sau khi các lệnh trừng phạt được áp dụng, Nhà Trắng tuyên bố: "Các chuyên gia dự báo GDP Nga giảm 15% năm nay, thổi bay thành quả kinh tế 15 năm qua".

ruble-1677145525-6385-1677146475.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zmoBq87norHvlMYgSvre6Q

Tỷ giá USD/Ruble trong một năm qua.

Tháng 6/2022, lần đầu tiên trong một thế kỷ, Nga bị tuyên bố vỡ nợ nước ngoài, do bị chặn thanh toán thông qua các ngân hàng Mỹ. Nước này cũng rơi vào suy thoái kỹ thuật, khi tăng trưởng âm liên tiếp trong quý II và III, theo số liệu của cơ quan thống kê quốc gia Rosstat.

Trên DW, Chris Weafer – một cố vấn đầu tư đã làm việc tại Nga 25 năm – cho biết vài tháng đầu chiến sự, kinh tế Nga khá hỗn loạn. Không chỉ vì các lệnh trừng phạt, mà còn vì nhiều doanh nghiệp phương Tây thông báo rút khỏi đây.

"Mọi người đồn rằng mất mát về thương mại và các tuyến logistics sẽ giáng đòn mạnh vào ngành sản xuất. Hàng loạt người sẽ thất nghiệp. Thời điểm đó, tôi đã rất bi quan vào triển vọng nền kinh tế năm 2022", ông cho biết.

Tuy nhiên, đến tháng 5, bức tranh đã "cải thiện rất nhanh". "Bạn cũng thấy đấy, kịch bản xấu nhất đã không xảy ra", ông nói.

Ngân hàng Trung ương Nga đã củng cố hệ thống tài chính trong 2 tháng đầu chiến sự. Việc nâng lãi giúp các nhà băng không bị rút tiền ồ ạt và lạm phát dần đi xuống.

Hồi tháng 6, ruble Nga lên cao nhất 7 năm so với USD, lọt top tiền tệ mạnh nhất thế giới. Nguyên nhân là Moskva áp dụng các chính sách buộc hãng xuất khẩu bán ngoại tệ và yêu cầu khách mua năng lượng trả bằng ruble.

Theo số liệu của cơ quan thống kê Nga công bố hồi đầu tuần, GDP Nga năm ngoái chỉ giảm 2,1%. Trên thực tế, Điện Kremlin không công bố nhiều dữ liệu kinh tế sau chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nhưng cả Nga và chính phương Tây cũng nhận thấy nền kinh tế này đã không sụp đổ như dự báo.

"Có thể nói mức giảm GDP Nga thấp hơn rất nhiều so với dự đoán đầu chiến sự là 10-15%", Alexandra Vacroux – Giám đốc Trung tâm Davis chuyên nghiên cứu Nga và lục địa Á - Âu tại Đại học Harvard cho biết trên DW.

Bà cho rằng GDP Nga giảm 3-4% trong một năm qua. Con số này tương tự ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Cơ quan thống kê Nga hồi tháng 4 dự báo mức giảm là 12%.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 1 trên kênh truyền hình Rossiya-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Tình hình kinh tế rất ổn định. Hơn thế nữa, nó còn tốt hơn nhiều so với dự báo của cả các đối thủ và của chính chúng tôi".

Ông cho biết tỷ lệ thất nghiệp – một trong các chỉ số kinh tế vĩ mô chính của Nga – đang ở mức thấp kỷ lục. Lạm phát cũng thấp hơn dự báo và đang trong xu hướng giảm.

rus-inflation-8418-1677146476.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=j7FNAVXz6KpHyT8EXwTq_g

Lạm phát Nga trong một năm qua. Đồ thị: Statista

"Tôi cho rằng cuối quý này, lạm phát từ 11,9% hiện tại sẽ về sát 5%. Đây là chỉ báo quan trọng, nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân", Tổng thống Nga tuyên bố. Ông cũng khẳng định cả sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng của Nga cũng đang đi lên.

Thay đổi lớn nhất với kinh tế Nga một năm qua là trong lĩnh vực kinh doanh năng lượng. Vài tháng đầu chiến sự, EU chưa trừng phạt lên hoạt động nhập khẩu dầu thô và khí đốt của Nga, do họ vẫn phụ thuộc vào nguồn cung của nước này. EU vẫn tiếp tục mua dầu mỏ, khí đốt Nga trong phần lớn năm 2022, chủ yếu để tích trữ cho mùa đông.

Tuy nhiên, cả EU và Nga đều đã sớm khởi động quá trình tìm đối tác mới. Liên minh châu Âu (EU) hiện không còn nhập khẩu than đá và dầu thô từ Nga. Số khí đốt được giao đến đây cũng gần như dừng lại. Khoảng trống này được lấp đầy một phần bởi nguồn cung từ Na Uy và LNG từ Qatar, Mỹ cùng một số nước khác.

Còn Nga cũng ký hợp đồng mới với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác. Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo đạt thặng dư thương mại kỷ lục với 227 tỷ USD năm 2022, chủ yếu nhờ xuất khẩu năng lượng.

Theo hãng nghiên cứu Kpler, lượng dầu thô và dầu mazut Nga vào Trung Quốc đã lập đỉnh trong tháng 1, với trung bình 1,66 triệu thùng một ngày. Trung Quốc, Ấn Độ đã thế chân EU làm đối tác mua dầu lớn nhất từ Nga.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 13/2 cho biết xuất khẩu khí đốt Nga giảm 25% năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu lại tăng 7,6%.

Việc giá dầu và khí đốt tăng vọt năm ngoái giúp chính phủ Nga vẫn có nguồn thu đủ để giảm tác động từ việc bị phương Tây đóng băng nửa khối dự trữ ngoại hối. "Nga có thể sử dụng số tiền này để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chủ chốt, hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế trong nước", Weafer cho biết.

Tỷ lệ thất nghiệp của Nga hiện duy trì ở mức thấp, chỉ quanh 4%. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng con số này có thể chưa phản ánh chính xác, do nhiều người rời lực lượng lao động để nhập ngũ hoặc ra nước ngoài.

Năm qua, việc hàng loạt doanh nghiệp phương Tây rời Nga sau chiến sự Ukraine cũng thay đổi đáng kể hoạt động kinh doanh tại đây. Nguồn cung ôtô mới khan hiếm khiến các doanh nghiệp phải tăng nhập xe cũ, chủ yếu từ Nhật Bản. Ôtô, TV, smartphone Trung Quốc cũng tràn vào Nga, thay thế hàng nhập khẩu từ Đức và Hàn Quốc.

Việc các công ty phương Tây rút đi cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp địa phương. Chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s hồi tháng 5 bán lại mảng kinh doanh tại Nga cho doanh nhân Alexander Govor. Chuỗi này sau đó đổi tên thành Vkusno & tochka và đi vào hoạt động từ tháng 6.

stars-coffee-6387-1677146476.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Vj95chI0hXWGBp6r1VzQYA

Bên ngoài một cửa hàng của Stars Coffee tại Moskva tháng 8/2022. Ảnh: Reuters

Nhiều doanh nghiệp Nga đã bắt tay vào sản xuất nước uống cola ngay khi Coca Cola thông báo rời đi. Sự vắng mặt của Starbucks cũng được thay thế bằng chuỗi café Stars Coffee của một rapper Nga.

Các doanh nghiệp địa phương cũng tăng cường nhập khẩu song song để bù đắp hàng tiêu dùng thiếu hụt trong nước. Hàng hóa phương Tây hiện tìm đường vào Nga qua các nước bên thứ ba như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia Trung Á.

AFP đánh giá kinh tế Nga đã tìm được cách thích ứng với lệnh trừng phạt. Vacroux cho rằng một phần nguyên nhân khiến các lệnh trừng phạt kém hiệu quả là Điện Kremlin đã quen với việc này trong gần một thập kỷ qua, sau khi họ sáp nhập Crimea năm 2014.

Một thập kỷ bị trừng phạt giúp các ngân hàng nước này luôn được chuẩn bị sẵn sàng. Nga cũng tự chủ được nhiều ngành chủ chốt, đặc biệt là sản xuất thực phẩm.

Tuy nhiên, dự báo cho kinh tế Nga năm nay khá trái chiều. IMF gần đây cho rằng GDP Nga tăng 0,3% năm nay. Các tổ chức khác thì dự báo kinh tế Nga co lại 2%.

Với lĩnh vực năng lượng, châu Âu cũng đã giảm dần phụ thuộc vào năng lượng Nga trong 12 tháng qua. Tuy nhiên, đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy lệnh trừng phạt của EU lên dầu thô Nga có hiệu quả. Nghiên cứu của The Economist chỉ ra doanh số bán dầu thô Nga vẫn cao, chủ yếu nhờ nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Còn với lệnh trừng phạt lên các sản phẩm từ dầu Nga, có hiệu lực đầu tháng này, Weafer cho rằng nó sẽ có tác dụng. "Dấu hỏi lớn hiện tại là Nga sẽ kiếm được bao nhiêu từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay. Tôi cho rằng con số này sẽ ít hơn nhiều so với năm 2022", ông nói.

Hà Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022