Trong cuộc họp báo tại Mar-a-Lago ở Florida vào ngày 7/1, hai tuần trước lễ nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cập đến ý tưởng sáp nhập Canada. "Tôi sẽ dùng sức mạnh kinh tế. Canada và Mỹ hợp làm một, đó là ý tưởng thật sự táo bạo", ông bình luận.

Đây không phải lần đầu ông Trump nhắc đến vấn đề này. Hồi cuối tháng 11/2024, ông Trump từng nhắc tới ý tưởng này khi gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Trong hai tháng qua, ông nhiều lần đăng bình luận trên mạng xã hội rằng Canada nên trở thành "bang thứ 51" của Mỹ và gọi Thủ tướng Trudeau là "thống đốc bang Canada". Ngày 6/1, sau khi Thủ tướng Canada công bố kế hoạch từ chức, ông Trump tiếp tục nhắc lại ý tưởng này và trực tiếp dùng từ "sáp nhập" trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social.

Lý do ông đưa ra là Mỹ "mất nhiều hơn được" khi nhập khẩu hàng hóa từ Canada. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng đang hỗ trợ nước này.

Canada và Mỹ có mối quan hệ mật thiết về kinh tế và thương mại. Mỗi ngày, khoảng 400.000 người qua lại giữa biên giới hai nước. Người Canada ở phía Tây thậm chí sang Seattle (Mỹ) nhiều hơn là tới thủ đô Toronto.

Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Canada, đóng góp 76% kim ngạch xuất khẩu và 64% nhập khẩu của nước láng giềng. Theo số liệu của chính phủ Canada, kim ngạch thương mại song phương lên tới 2,7 tỷ USD mỗi ngày năm 2023.

Hai nước là thành viên Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) từ năm 2020. USMCA thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trước đây. Họ cũng là thành viên nhóm nước phát triển G7.

trump-trudeau-1736316204-17363-3382-7448-1736316353.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=A_kasVe-EuIUfcNNp1Rl4Q

Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Mỹ và Canada có sự tương đồng về văn hóa, hệ thống pháp lý và chia sẻ nhiều cơ sở hạ tầng, như cảng biển, đường sắt và cầu. Hai nước cũng xây dựng thêm nhiều công trình, như cầu treo Gordie Howe International nối Windsor and Detroit, góp phần tăng thương mại song phương khi thông xe năm nay.

Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Canada. Ngược lại, Canada là nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), 60% dầu thô nhập khẩu của Mỹ năm 2023 từ nước láng giềng.

Suốt vài thập kỷ, sự phát triển kinh tế của hai nước luôn tương đồng. Giai đoạn 2009-2019, khi GDP Mỹ tăng 27%, tăng trưởng kinh tế Canada là 25%.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã đẩy hai nền kinh tế giàu nhất Bắc Mỹ ngày càng xa nhau. Đến cuối 2024, kinh tế Mỹ được dự báo tăng 11% so với 5 năm trước đó. Tốc độ này với Canada chỉ là 6%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm 2025, GDP bình quân của Canada tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP) gần 65.000 USD một năm, bằng 70% nước láng giềng. Đây là tỷ lệ thấp nhất nhiều thập kỷ. Economist cho rằng nếu là một bang của Mỹ, GDP Canada chỉ nhỉnh hơn Montana - bang nghèo thứ 9 tại đây.

Sau đại dịch, Canada rơi vào suy thoái sâu hơn Mỹ, một phần do phong tỏa ngặt nghèo và lâu hơn. GDP 2020 của nước này giảm 5%, gấp đôi so với 2,2% của Mỹ. Canada sau đó sớm bắt kịp. Tăng trưởng nước này tăng 4% giai đoạn 2019-2022, tương đương Mỹ (5%).

Tuy nhiên, kể từ 2022, kinh tế Mỹ tăng tốc, khiến Canada bị tụt lại. Nguyên nhân là hai động lực tăng trưởng của Canada - dịch vụ và dầu mỏ - trục trặc.

Dịch vụ đóng góp 70% GDP Canada. Sau đại dịch, người Mỹ tăng mua hàng hóa, giúp thúc đẩy sản xuất của nước này. Thực tế, người Mỹ tiêu thụ tới 40% sản lượng các nhà máy tại nước láng giềng, nhưng sau đại dịch họ chuyển hướng sử dụng dịch vụ trong nước.

"Canada không được hưởng lợi từ tăng trưởng tại Mỹ", Nathan Janzen từ ngân hàng Royal Bank of Canada (RBC) nhận xét. Vì vậy, việc hồi sinh nền kinh tế lại đè nặng lên ngành dịch vụ - vốn phụ thuộc vào nhu cầu của người dân và chính phủ.

Tuy nhiên, sức cầu trong nước bị kìm hãm bởi lãi suất cao. Tại Mỹ, các khoản vay mua nhà thường có kỳ hạn 30 năm, nhưng ở Canada là 5 năm. Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Canada đã hạ lãi suất 5 lần, từ 5% xuống 3,25% hiện tại.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy khó khăn do khoản vay mua nhà chưa đến thời điểm gia hạn và áp dụng lãi suất mới. Người dân tốn bình quân 15% thu nhập cho việc trả nợ, tăng 1% so với năm 2019.

Không như Mỹ, chính phủ Canada không vì thế mà tăng chi tiêu công. Thâm hụt của nước này năm 2023 là 1,1% GDP, còn Mỹ là 6,3%.

Screenshot-2025-01-08-125847-1-1158-2272-1736316353.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LHCQ58TriczoY41JjUA5lQ

Dầu thô Mỹ nhập khẩu từ Canada (đỏ) và các nước còn lại (xám) giai đoạn 1993-2023 (đơn vị: triệu thùng/ngày). Đồ thị: EIA

Động lực thứ hai cũng gặp trục trặc là ngành dầu mỏ, vốn đóng góp 16% xuất khẩu của Canada. Suốt nhiều năm sau đợt giá dầu lao dốc năm 2014, Canada không đầu tư mạnh vào sản xuất mới, dù nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu.

Trái lại, sản lượng tại Mỹ ngày càng tăng, đặc biệt sau khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra đầu năm 2022. Tính tới cuối tháng 7/2024, sản lượng dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 25% so với cùng kỳ 6 năm trước đó. Mức tăng của Canada chưa tới một nửa, 11%.

Giá dầu giảm khiến kinh tế Canada ảnh hưởng mạnh, vì đây là một trong những ngành năng suất cao nhất của họ. Việc này càng làm trầm trọng thêm vấn đề cố hữu về năng suất lao động. Hai thập kỷ qua, mức tăng trưởng về sản lượng lao động mỗi giờ của Canada gần như đứng yên, khiến nước này ngày càng giống châu Âu. Trong khi đó, Mỹ gần đây còn hưởng lợi từ sự bùng nổ công nghệ.

Từ khi đại dịch xuất hiện, GDP bình quân của Canada tăng chậm hơn các nước G7. Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global hồi tháng 9/2024 dự báo GDP nước này tăng 1,2% năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, ngay khi ông Trump tái đắc cử, các nhà kinh tế học ngay lập tức thay đổi dự báo về kinh tế Mỹ và Canada. Dù tác động thực sự từ các đề xuất chính sách của Tổng thống đắc cử vẫn chưa chắc chắn, GDP và lạm phát tại Mỹ có thể tăng trong ngắn hạn. Ngược lại, Canada sẽ cảm nhận sức ép.

Tháng 11/2024, ông Trump dọa áp thuế 25% với toàn bộ hàng hóa từ hai nước láng giềng là Mexico và Canada. Ngay sau tuyên bố trên, giá đôla Canada xuống thấp nhất gần 4 năm so với đôla Mỹ.

Trên Reuters, giới phân tích cho rằng việc này có thể khiến các hãng dầu Canada phải hạ giá và chuyển hướng bán sản phẩm sang châu Á. Hoạt động sản xuất ôtô tại đây cũng chịu ảnh hưởng, khi Mỹ nhập lượng lớn xe hơi từ các nhà máy ở Mexico, Canada.

Việc Trump giảm thuế doanh nghiệp trong nước có thể giảm sức cạnh tranh của nước láng giềng, theo các nhà kinh tế học tại Royal Bank of Canada. Hãng nghiên cứu Desjardins Group thì ước tính GDP thực của Canada có thể giảm 1,7% vào cuối 2028, khi ông Trump điều hành nước Mỹ.

"Dù có thể tránh suy thoái trong gang tấc, chúng tôi cũng không loại trừ khả năng này", họ kết luận.

Hà Thu (tổng hợp)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022