Đây là quý có kết quả hoạt động mạnh nhất của nền kinh tế khu vực đồng euro kể từ quý III/2022, theo số liệu của Cơ quan thống kê Liên minh Châu Âu (Eurostat). Vào nửa cuối 2023, kinh tế eurozone giảm 0,1% mỗi quý.
Trong số các quốc gia thành viên, Ireland ghi nhận mức tăng cao nhất so với quý trước, ở mức 1,1%. Tiếp theo là Latvia, Lithuania và Hungary đều ở mức 0,8%. Trong khi, Thụy Điển là nước duy nhất tăng trưởng âm so với quý IV/2023.
Tăng trưởng GDP eurozone các quý so với quý liền trước giai đoạn 2008-2024. Nguồn: Eurostat
So với cùng kỳ 2023, GDP eurozone tăng 0,4% và toàn EU tăng 0,5%. Kinh tế châu Âu khởi sắc nhờ giá năng lượng giảm và lạm phát hạ nhiệt còn 2,4% trong tháng 4. Lạm phát hiện không còn xa mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra, dẫn đến khả năng ECB cắt giảm lãi suất trong tháng 6.
Cùng với đó, Đức - đầu tàu kinh tế eurozone - tăng trưởng 0,2% trong ba tháng đầu năm, sau khi suy giảm 0,5% vào quý cuối 2023. Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai khu vực, đạt mức tăng trưởng 0,2%. Trong khi, Tây Ban Nha cũng tăng trưởng 0,7%.
Tuy nhiên, kinh tế châu Âu chưa có nhiều triển vọng cất cánh đáng kể. Lãi suất hiện ở mức cao kỷ lục là 4% của ECB vẫn đang là trở ngại cho tăng trưởng vì làm tăng chi phí tín dụng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Kinh tế Đức cải thiện nhưng vẫn chưa chấm dứt được những lo ngại về các thách thức dài hạn như quan liêu quá mức, thiếu công nhân lành nghề, đầu tư không đủ vào cơ sở hạ tầng như mạng lưới đường sắt và Internet tốc độ cao, chậm chuyển đổi số chậm trong kinh doanh và hành chính.
Carsten Brzeski, Trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu tại ngân hàng ING cho biết những điểm yếu về cơ cấu của Đức sẽ không biến mất chỉ sau một đêm và hạn chế tốc độ phục hồi trong năm nay.
Phiên An (theo AP)