Định hướng trên được Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (HEPZA) Hứa Quốc Hưng đặt ra tại hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM (1992-2022), sáng 27/10.
Theo ông Hưng, hiện mỗi ha đất công nghiệp tại TP HCM thu hút 6,32 triệu USD vốn đầu tư, tạo ra 46,71 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hơn 144 lao động. Ông Hưng đánh giá tỷ suất thu hút đầu tư trung bình này là thấp so với tiềm năng của thành phố, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Do đó, HEPZA đặt mục tiêu tăng thu hút đầu tư bình quân trên mỗi ha đất lên 15 triệu USD vào năm 2025.
Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (HEPZA) Hứa Quốc Hưng. Ảnh: Thu Hằng
Đến 2030, HEPZA định hướng chuyển đổi sang khu công nghiệp (KCN) sinh thái, công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện môi trường. Ông Hưng cho biết Ban sẽ thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp Hiệp Phước thành khu công nghiệp sinh thái; triển khai thêm một KCN kỹ thuật cao và công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghệ cao.
Đánh giá hạn chế trong 30 năm hoạt động, Trưởng ban Hứa Quốc Hưng cho rằng đa số các dự án mà HEPZA thu hút đầu tư có quy mô vốn nhỏ. Nguyên nhân do giai đoạn đầu phát triển, tiêu chí ưu tiên là "lấp đầy" nhằm giải quyết lao động thất nghiệp, tiếp cận công nghệ, nguồn vốn và trình độ quản lý từ nước ngoài, vì vậy không có sự chọn lọc dự án đầu tư.
Hạ tầng xã hội tại các KCX, KCN chưa đáp ứng được nhu cầu của lao động nhập cư, chiếm 71% tổng số lao động. Các khu công nghiệp thiếu công trình hạ tầng xã hội phục vụ công nhân do giai đoạn đầu không quy hoạch đủ đất dành cho các dự án dịch vụ, hạ tầng phúc lợi xã hội...
Chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Theo thống kê của HEPZA, trình độ của hơn 281.000 lao động (chiếm 6% lao động TP HCM) hiện nay hầu hết là cấp 2, 3, tương ứng gần 37% và hơn 42%. Trong 20 năm qua, trình độ lao động của HEPZA không có nhiều biến động, tỷ lệ lao động có trình độ đại học thậm chí có xu hướng giảm, từ 11,08% (2006) xuống 7,99% (2022).
"Chương trình giảng dạy tại các trường còn nặng lý thuyết, chậm đổi mới, nội dung đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tiễn. Nhiều lao động đã được đào tạo qua trường lớp, khi được tuyển dụng, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại", ông Hưng nêu vấn đề.
Trước thực trạng này, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu HEPZA chú trọng đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng cơ cấu kinh tế mới. Đồng thời, Ban cần tập trung xây dựng hoàn thiện các hạ tầng xã hội như nhà lưu trú, ký túc xá công nhân, trường mầm non, thiết chế văn hóa...để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Ông cho rằng Ban cần mạnh dạn đưa ra khỏi quy hoạch KCN, KCX không có tính khả thi, loại bỏ khu công nghiệp già cỗi, phát thải cao để tái cấu trúc theo xu hướng tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao.
Năm 1991, Khu chế xuất Tân Thuận là mô hình khu chế xuất đầu tiên trên cả nước. Sau 30 năm, TP HCM có 3 KCX và 14 KCN với tổng diện tích hơn 3.800 ha, đạt 64% diện tích quy hoạch, tỷ lệ lấp đầy là 77%.
Đến tháng 9, các KCX, KCN đã thu hút 1.674 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 12 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm 45%. Bình quân hàng năm thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 58% vốn đầu tư nước ngoài của TP HCM. Trung bình hàng năm nộp ngân sách hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách thành phố (không kể dầu thô).
Thu Hằng