Báo cáo vừa công bố của HSBC đánh giá lĩnh vực tiêu dùng - chiếm hơn 50% GDP Việt Nam - đã chịu nhiều áp lực năm qua, với tăng trưởng tiêu dùng cá nhân khoảng 3%, tức chỉ bằng một nửa mức bình quân trước dịch (7,5% một năm).

Năm qua, tiêu dùng tăng kém do ngoại thương chậm lại làm ảnh hưởng đến việc làm và thị trường bất động sản suy yếu. Cùng với đó, người dân có xu hướng cảnh giác với những biến động kinh tế nên khuynh hướng tiết kiệm gia tăng.

91256cfe090ba355fa1a-170696141-9956-1674-1707291471.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=T_f2f8HR3rP2w7NuTvcW2g

Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở Hà Nội ngày 3/2. Ảnh: Ngọc Thành

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đã khởi đầu 2024 thuận lợi và lĩnh vực tiêu dùng có tiềm năng cải thiện, theo HSBC. Tín hiệu đầu tiên là một số cổ phiếu trong lĩnh vực tiêu dùng đang phục hồi.

Về ngắn hạn, có hai lý do cơ bản củng cố cho dự báo. Đầu tiên là chu kỳ thương mại toàn cầu sẽ hỗ trợ thị trường lao động. Xuất khẩu điện tử gần đây có dấu hiệu tích cực, cho thấy giai đoạn đen tối nhất đã qua.

Trong nước, ngành du lịch sau năm 2023 vượt mục tiêu đang hướng đến tham vọng đón 17-18 triệu khách nước ngoài năm nay, gần đạt mức cao kỷ lục của năm 2019 và nhắm tới tổng doanh thu 840.000 tỷ đồng (8% GDP), vượt kết quả năm trước dịch.

Về dài hạn, người Việt vẫn đang gia tăng tích lũy tài sản, thúc đẩy tiêu dùng mạnh hơn và chuyển dịch sang hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu. Xu hướng chi tiêu cho phương tiện giao thông là ví dụ. HSBC cho biết tỷ lệ sở hữu xe máy lên đến 70% nhưng số lượng mua ôtô đang tăng.

Trong ôtô, xu hướng mua xe SUV tăng so với sedan, trong khi SUV nói chung đắt hơn sedan. "Thực tế, thu nhập bình quân đã tăng nhanh hơn mức chi tiêu trong những năm qua, giúp trợ lực cho tiêu dùng gia tăng", báo cáo đánh giá.

Tầng lớp trung lưu mới nổi đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm cơ hội sinh lời. FDI từ Nhật Bản đổ vào lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tài chính tăng mạnh thời gian qua là điển hình. Theo khảo sát mới công bố của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), 100% doanh nghiệp bán lẻ nước này ở Việt Nam được hỏi đều có kế hoạch mở rộng.

Mặc dù tiềm năng có vẻ sáng sủa, vẫn có những thách thức. Phục hồi hiện không đồng đều trong các ngành. Dệt may và da giày cung cấp việc làm lớn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn. Trong khi, cạnh tranh về thu hút khách du lịch trong Đông Nam Á đang ngày càng căng thẳng. Phục hồi khách Trung Quốc chậm hơn kỳ vọng.

Và theo HSBC, vấn đề chính cần lưu tâm là nợ của hộ gia đình gia tăng. Không có dữ liệu chính thức nên nhà băng này đã ước tính thông qua phân tích báo cáo tài chính của 4 ngân hàng lớn, có thể gồm những khoản vay kinh doanh nhỏ lẻ.

Kết quả, giai đoạn 2013-2022, nợ của hộ gia đình tăng mạnh từ 28% GDP lên 50% GDP. "Đòn bẩy tiêu dùng gia tăng không bền vững có thể tạo ra những rủi ro đáng kể cho ngành ngân hàng Việt Nam, cũng như ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng trong tương lai do phải cắt thêm thu nhập để trả nợ", báo cáo HSBC cảnh báo.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022