Tuần trước, Nhà Trắng công bố tăng thuế với hàng nhập khẩu trị giá 18 tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm xe điện, chất bán dẫn, pin lithium-ion, thiết bị y tế.
Trước đó, hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông "không muốn gây chiến với Trung Quốc" nhưng Mỹ cần phải chống lại "các hoạt động kinh tế không công bằng và dư thừa năng lực công nghiệp" của Bắc Kinh.
"Người lao động Mỹ có thể làm việc hiệu quả và cạnh tranh tốt hơn bất kỳ ai miễn là cạnh tranh diễn ra công bằng. Nhưng điều đó đã không công bằng trong thời gian quá dài", ông Biden phát biểu tuần này. "Chúng tôi sẽ không để Trung Quốc tràn ngập thị trường của chúng ta", ông nói thêm.
Dưới đây là tác động của đợt tăng thuế mới với hàng Trung Quốc.
Xe điện
Chính quyền Biden tăng thuế xe điện gấp 4 lần nhằm đảm bảo "tương lai của ngành công nghiệp ôtô sẽ được tạo ra ở Mỹ bởi công nhân Mỹ".
Một lô xe điện đang được chuẩn bị xuất khẩu tại Cảng container quốc tế Taicang ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, ngày 9/5. Ảnh: Reuters
Nomura dự báo "tác động hạn chế trong ngắn hạn" vì Mỹ chỉ chiếm 1% tổng lượng xe xuất khẩu của nước này. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết Trung Quốc xuất 12.362 xe điện sang Mỹ vào năm 2023, với khoảng 10.000 chiếc là của thương hiệu Polestar.
Trong khi đó, các hãng xe điện đang tăng đẩy hàng vào Nam Mỹ. Xuất khẩu quý I của BYD tăng hơn 150%, lên hơn 97.000 xe. Trong đó, Brazil chiếm 15.700 xe, tương đương 16%. Nhà giao dịch hàng hóa Nhật Bản Hanwa cũng cho biết xuất khẩu xe điện từ Trung Quốc sang Mexico tăng lên những tháng gần đây. Theo Nikkei, hầu hết công ty xe điện lớn đang cạnh tranh nhau để đặt thêm chỗ vận chuyển xe điện đến Brazil và Mexico.
Nhưng tác động có thể lớn hơn nếu EU và Anh, cùng tăng thuế như Mỹ. "Chúng tôi không lo lắng về mức thuế mới của Mỹ vì không bán trực tiếp cho nước này, nhưng lo tín hiệu nào nó sẽ gửi đến các quốc gia khác, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ", lãnh đạo một công ty xe điện Trung Quốc nói với Nikkei.
Vào tháng 10, Ủy ban Châu Âu đã tiến hành cuộc điều tra xem liệu các công ty xe điện của Trung Quốc có được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp nhà nước giúp họ hạ giá hay không. Giám đốc thương mại EU Valdis Dombrovskis gần đây ám chỉ rằng Brussels có thể áp dụng thuế quan trước kỳ nghỉ hè.
Theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc coi Tây Âu là điểm đến xuất khẩu quan trọng, tiếp theo là Đông Nam Á.
Pin lithium-ion
Thuế với pin lithium-ion dùng cho xe điện sẽ tăng lên 25% từ mức 7,5% trong năm nay. Các nhà phân tích dự đoán việc tăng thuế có tác động sâu hơn đến các công ty Trung Quốc xuất khẩu pin lithium-ion xe điện và linh kiện pin, mang lại cho các công ty pin Nhật Bản và Hàn Quốc lợi thế lớn hơn trên thị trường Mỹ.
Nhưng các nhà sản xuất pin Trung Quốc có kế hoạch xây dựng nhà máy ở Mỹ như Envision và Gotion High-tech có thể hưởng lợi. Họ có thể chịu tác động lớn hơn vào 2026, khi thuế 25% đối với pin lithium-ion không dành cho xe điện hiệu lực.
Tại thời điểm đó, các nhà xuất khẩu pin Trung Quốc có thể thấy lợi thế về chi phí của họ bị suy giảm so với các đối thủ Mỹ, những người có thể tận dụng các ưu đãi thuế do chính quyền Biden cung cấp theo Đạo luật giảm lạm phát.
Đất hiếm
Thuế quan với đất hiếm tăng lên 25% vào năm 2026. Theo chuyên gia, đây là điều bất ngờ vì ngành đất hiếm của Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc về thị phần, chi phí, kinh nghiệm.
Đất hiếm là nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng và không thể tái tạo, được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực năng lượng mới như động cơ xe và tua-bin gió. Động thái tăng thuế của Mỹ để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước và giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Nước này đã sản xuất 240.000 tấn sản phẩm đất hiếm vào năm ngoái, chiếm 68% tổng sản lượng toàn cầu, dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.
Chất bán dẫn
Thuế suất với chất bán dẫn từ Trung Quốc tăng lên 50% từ 25% vào 2025. Theo một số nhà phân tích, mức thuế tăng có thể làm suy yếu hệ sinh thái công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà sản xuất có thể tích hợp chip của họ vào các sản phẩm như thiết bị gia dụng và điện tử, sau đó xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ như một cách để lách thuế.
Tuy nhiên, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng các nhà sản xuất bán dẫn cung cấp những chip phổ thông và lớn hơn của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng không thể thay thế. Nguyên nhân bởi các hãng Đài Loan và Hàn Quốc như TSMC và Samsung tập trung vào sản xuất các chip cao cấp hơn.
Pin mặt trời
Thuế với pin mặt trời tăng gấp đôi lên 50% vào năm nay. Nhưng thị trường Mỹ rất nhỏ với Trung Quốc và hàng xuất khẩu sang đây đã phải chịu thuế trong hơn một thập kỷ. Năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu 3,35 triệu USD pin mặt trời sang Mỹ, chưa đến 0,1% tổng kim ngạch nước này. Vì vậy, Nomura nói sẽ có tác động hạn chế trong ngắn hạn.
Nhân viên kiểm tra các tấm pin mặt trời tại nhà máy của Chint Solar ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Reuters
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, hơn 80% hoạt động sản xuất tấm pin mặt trời hiện diễn ra ở Trung Quốc và chi phí sản xuất tấm pin ở Trung Quốc rẻ hơn 60% so với ở Mỹ.
Trước đó, các nhà sản xuất tấm pin mặt trời Trung Quốc cũng đã chuyển chuỗi cung ứng của họ sang một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam để tránh các hạn chế của Mỹ. Năm 2023, 4 quốc gia Đông Nam Á chiếm khoảng 75% tổng lượng nhập khẩu pin mặt trởi của Mỹ.
Hồi tháng 4, một số nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời Mỹ đã kiến nghị Bộ Thương mại áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á. Zhong Baoshen, Chủ tịch công ty Công nghệ Năng lượng Xanh Longi dự báo pin mặt trời từ các nước Đông Nam Á sẽ khó bán sang Mỹ. Do đó, các nhà sản xuất có thể phải mở nhà máy ở Mỹ như lựa chọn tiếp cận thị trường này.
Thiết bị y tế
Năm nay, thuế với ống tiêm và kim tiêm sẽ tăng từ 0% lên 50% và với một số thiết bị bảo hộ cá nhân như mặt nạ phòng độc và khẩu trang, sẽ tăng lên 25% từ mức 0 - 7,5% hiện tại. Thuế quan với găng tay y tế và phẫu thuật bằng cao su sẽ tăng lên 25% từ mức 7,5% vào năm 2026.
Mỹ là thị trường xuất khẩu thiết bị y tế hàng đầu của Trung Quốc, với kim ngạch lên tới gần 10,8 tỷ USD vào năm ngoái. Tuy nhiên, tác động có thể sẽ bị hạn chế do nhiều nhà sản xuất các sản phẩm bị tăng thuế đã đổi ngành do nhu cầu giảm mạnh sau đại dịch, theo Caixin. Năm 2023, xuất khẩu sản phẩm chống dịch của Trung Quốc đã giảm mạnh 75,7%, xuống còn khoảng 3,9 tỷ USD.
Cần cẩu cảng container
Cần cẩu lớn được sử dụng tại các cảng để bốc dỡ hàng hóa từ tàu container lên bờ và ngược lại (ship-to-shore cranes) bị tăng thuế từ 0% lên 25% năm nay. Quyết định đưa ra sau khi Cảnh sát biển Mỹ ban hành Chỉ thị An ninh Hàng hải vào tháng 2 về quản lý rủi ro mạng đối với loại cần cẩu này do Trung Quốc sản xuất.
Đầu năm 2023, các quan chức quốc phòng Mỹ bày tỏ lo ngại rằng nhà sản xuất cần cẩu Trung Quốc như Shanghai Zhenhua Heavy Industries có thể bị Bắc Kinh sử dụng như công cụ gián điệp, nhận xét mà Trung Quốc chỉ trích là "hoang tưởng".
Các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết vào thời điểm đó, khoảng 80% cần cẩu vận chuyển hàng hóa tại các cảng của Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc và sử dụng phần mềm của Trung Quốc.
Thép và nhôm
Với một số sản phẩm thép và nhôm, thuế quan sẽ tăng lên 25% năm nay, từ mức 0 - 7,5%. Nhà Trắng trích dẫn sự cạnh tranh không công bằng trong các lĩnh vực này do "sự dư thừa phi thị trường của Trung Quốc".
Chuyên gia dự đoán tác động có thể hạn chế. Điều này là do khối lượng nhập khẩu của Mỹ tương đối thấp và các sản phẩm thép của Trung Quốc đã chịu thuế đáng kể. Theo S&P Global Market Intelligence, Trung Quốc chiếm chưa đến 1% lượng thép nhập khẩu của Mỹ trong hai tháng đầu 2024.
Trong khi đó, các nhà sản xuất sản phẩm nhôm nên thận trọng hơn. Nhôm Trung Quốc xuất sang Mỹ chủ yếu là các sản phẩm giá trị gia tăng cao, cung cấp bởi các công ty tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi khách hàng Mỹ tìm được giải pháp thay thế, họ sẽ rất khó giành lại thị phần.
Theo Nomura, gói thuế quan mới của Mỹ sẽ có tác động hạn chế với các nhà xuất khẩu Trung Quốc trong ngắn hạn vì các sản phẩm mục tiêu chỉ chiếm 4,2% tổng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc và chưa đến 1% tổng xuất khẩu nước này.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc có thể tăng đột biến trong năm nay với các sản phẩm sẽ bị áp thuế vào 2025 và 2026.
Tác động đáng lo ngại hơn là các nền kinh tế khác sẽ làm theo các biện pháp hạn chế thương mại tương tự Mỹ, đặc biệt là với EU và Anh. "Căng thẳng thương mại gia tăng có thể cản trở lĩnh vực xuất khẩu và khuyến khích việc di dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc nhiều hơn về lâu dài", phân tích của Nomura nêu.
Phiên An (theo Caixin, Nikkei, Reuters)