Ngày 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo chuẩn bị kỳ họp thứ 7, khai mạc ngày 20/5.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết tình hình tài chính của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) rất khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Do vậy, tại kỳ họp tới đây, Chính phủ xin bổ sung nội dung trình Quốc hội về gia hạn trả nợ khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines.
Đây là khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng cho hãng hàng không quốc gia. Ông Sơn nói nội dung này "rất quan trọng, cấp bách, cần xin ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp".
Trước đó, năm 2020, Quốc hội thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho hãng này. Trong đó, khoản vay 4.000 tỷ đồng, có lãi suất 0%. Còn 8.000 tỷ để tăng vốn điều lệ qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Gói hỗ trợ này được đưa ra trong bối cảnh hãng hàng không quốc gia bên bờ vực phá sản, nợ phải trả quá hạn khoảng 6.240 tỷ đồng.
Máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài, tháng 1/2024. Ảnh: Giang Huy
Giai đoạn xảy ra dịch Covid-19 (2020-2022), ngành hàng không, trong đó có Vietnam Airlines, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của thị trường. Năm 2022, hãng này lỗ sau thuế hơn 11.220 tỷ đồng.
Tình hình cải thiện hơn vào 2023, khi số lỗ giảm một nửa, tương đương hơn 5.700 tỷ. Nhưng do số lỗ các hai năm trước lớn, nên đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của hãng âm vẫn gần 17.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế vượt 40.000 tỷ.
Thị trường hàng không, du lịch hồi phục giúp Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu, lợi nhuận lớn trong quý đầu năm nay. Theo đó, hãng này lãi trước thuế khoảng 1.500 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí.
Ngoài ra, nhờ ghi nhận khoản thu nhập khác trên 3.630 tỷ đồng do xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của hãng là hơn 4.528 tỷ. Đây cũng là mức lãi lớn nhất lịch sử của doanh nghiệp này. Trước đây vào thời kỳ đỉnh cao nhất giai đoạn 2017-2019, hãng chỉ lãi hợp nhất trước thuế hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Hiện, đề án cơ cấu lại Vietnam Airlines giai đoạn 2022-2025 đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hãng cho biết sẽ tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được phê duyệt.
Sơn Hà