Thyssenkrupp Steel cho biết phải thích ứng với dự báo của thị trường, bằng cách giảm sản xuất từ 11,5 triệu tấn thép một năm xuống 8,7-9 triệu tấn. Họ hiện là hãng thép lớn nhất Đức.

Trong kế hoạch của mình, hãng thép này sẽ cắt giảm khoảng 5.000 lao động đến hết năm 2030, bằng cách giảm sản xuất và sắp xếp lại bộ máy hành chính. 6.000 nhân sự nữa sẽ chuyển sang làm việc cho nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài, hoặc bị cắt giảm thông qua bán các bộ phận kinh doanh.

"Dư thừa sản xuất trên toàn cầu ngày càng lớn. Sự gia tăng hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ châu Á, gây áp lực đáng kể lên khả năng cạnh tranh. Hãng cũng cần áp dụng các biện pháp để cải thiện năng suất, hiệu quả hoạt động", hãng cho biết trong thông báo.

thysenkrupp-4375-1732631359.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fwUdhuYHsSguJy_0hBwfAw

Bên ngoài một nhà máy thép của Thyssenkrupp Steel tại Duisburg (Đức). Ảnh: Reuters

Tin tức này là cú sốc mới nhất với nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Nhiều hãng sản xuất danh tiếng của Đức gần đây đối mặt với khăn do cạnh tranh từ đối thủ Trung Quốc. Họ cũng phải giải quyết các bất lợi truyền thống như chi phí lao động, thuế cao, giá năng lượng tăng sau xung đột Nga - Ukraine năm 2022.

Năm ngoái, GDP Đức lần đầu co lại kể từ khi đại dịch xuất hiện. Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC) hồi đầu tháng, nền kinh tế này tiếp tục suy giảm năm nay.

Volkswagen - hãng sản xuất ôtô lớn nhất của Đức - cũng tiến hành cuộc cải tổ lớn để cắt giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. Đầu tháng này, Volkswagen cho biết sẽ giảm 10% lương nhân viên để bảo vệ việc làm và tương lai của công ty. Họ cũng có kế hoạch đóng cửa ít nhất ba nhà máy ở Đức và sa thải hàng chục nghìn nhân viên.

Những rắc rối tại Thyssenkrupp và Volkswagen phản ánh tình trạng xấu đi trong khu vực tư nhân ở Đức. Một nghiên cứu gần đây của Boston Consulting Group và Viện Kinh tế Đức cho biết đến năm 2030, sản lượng công nghiệp nước này có thể giảm 20% chủ yếu do chi phí năng lượng cao và thị trường thu hẹp lại.

"Lợi thế nền kinh tế lớn nhất châu Âu xây dựng nhiều thập kỷ qua trong các lĩnh vực như công nghệ đốt trong đang dần suy giảm. Mô hình xuất khẩu của Đức ngày càng chịu áp lực do căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu và điểm yếu trong nước", báo cáo nhận xét.

"Điểm yếu trong nước" gồm chi phí năng lượng cao, thủ tục hành chính rườm rà, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật số lỗi thời.

Nghiên cứu kết luận nền kinh tế Đức cần "nỗ lực chuyển đổi mạnh nhất kể từ sau Thế chiến II", đòi hỏi đầu tư bổ sung vào mọi lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng, nghiên cứu phát triển, đến giáo dục và công nghệ xanh. Số tiền có thể lên tới 1.400 tỷ euro (1.500 tỷ USD) đến hết năm 2030.

Hà Thu (theo Reuters, CNN)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022