Trong thông báo hôm đầu tuần, Spirit Airlines cho biết khoản lỗ ngày càng phình to, nợ không thể trả, cạnh tranh tăng lên và kế hoạch sáp nhập với các hãng bay khác thất bại khiến họ phải đưa ra quyết định này. Hãng sẽ vẫn tiếp tục hoạt động trong thời gian tái cấu trúc nợ.
"Hành khách vẫn có thể tiếp tục đặt vé, bay và sử dụng điểm khách hàng thân thiết như bình thường", thông báo cho biết.
Spirit chưa đạt lợi nhuận năm kể từ 2019. Nửa đầu năm nay, họ lỗ 360 triệu USD, dù nhu cầu bay tại Mỹ vẫn mạnh. Cạnh tranh gay gắt khiến giá vé trung bình của hãng nửa đầu năm nay giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Họ hiện có 1,1 tỷ USD nợ phải trả từ nay đến năm sau.
Máy bay của Spirit Airlines tại Sân bay Quốc tế San Diego (California, Mỹ). Ảnh: Reuters
Spirit là hãng bay lớn đầu tiên tại Mỹ nộp đơn phá sản trong hơn 10 năm qua. Dù vậy, CNN cho biết các hãng hàng không và doanh nghiệp Mỹ nói chung thi thoảng vẫn nộp đơn xin bảo hộ phá sản, sau đó hồi phục mạnh mẽ hơn. Hầu hết hãng bay lớn tại Mỹ, kể cả ba cái tên lớn nhất - American Airlines, United và Delta - đều từng nộp đơn phá sản trong 25 năm qua.
Spirit tin rằng họ có thể thoát tình trạng phá sản ngay đầu năm sau, khi khối nợ giảm đi và độ linh hoạt tài chính tăng lên. "Spirit sẽ được tạo đà cho thành công dài hạn và nhận nhiều khoản đầu tư, nhằm cung cấp cho khách hàng trải nghiệm bay và các giá trị vượt trội". Họ cho biết đã đàm phán với các chủ nợ hiện tại, và nhóm này đồng ý bơm thêm 300 triệu USD cho Spirit để hoạt động trong quá trình phá sản.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng Spirit vẫn có thể bị mua lại bởi một hãng bay khách, hoặc bị buộc thanh lý tài sản. Kịch bản này đã xảy ra với nhiều hãng hàng không Mỹ.
Vài năm gần đây, Spirit từng cố thực hiện hai vụ sáp nhập. Một với hãng bay giá rẻ Frontier Airlines và một với JetBlue Airways. Tuy nhiên, các kế hoạch đều bị tòa án chặn lại vì lo ngại cạnh tranh giảm sút.
Việc xin bảo hộ phá sản sẽ khiến Spirit phải hủy niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán New York. Cuối tuần trước, mã này giảm 18% khi tin đồn Spirit phá sản xuất hiện. Cổ phiếu hãng này năm nay đã giảm 93%.
Rắc rối của Spirit có thể khiến giá vé tại Mỹ tăng lên. Mô hình giá rẻ của hãng đã buộc các hãng bay lớn đưa ra hạng vé "phổ thông cơ bản" trên máy bay. Nếu Spirit bị yêu cầu giảm số chuyến bay hoặc điểm đến, dừng hoạt động hoặc bị hãng lớn mua lại, áp lực giảm giá sẽ thấp hơn.
Spirit thành lập năm 1964, ban đầu chỉ chạy xe tải đường dài. Năm 1983, họ chuyển hướng sang hàng không, với tên Charter One Airlines, chỉ bay đến các điểm du lịch phổ biến. Năm 1992, họ mới đổi tên thành Spirit Airlines.
Tại Mỹ, Spirit đi tiên phong trong việc áp dụng giá vé cơ bản ở mức rất thấp, nhưng tính phụ thu với gần như toàn bộ dịch vụ khác, kể cả hành lý xách tay. Giá vé khứ hồi trung bình cho các chặng nội địa năm nay của họ chỉ là 136 USD, chưa bao gồm thuế phí, theo hãng dữ liệu Cirium. Con số này thấp hơn 61% so với trung bình ngành và 69% so với 4 hãng lớn - American, United, Delta và Southwest.
Dù vậy, mô hình giá rẻ cũng khiến Spirit nhận nhiều phàn nàn từ khách hàng. Khảo sát mới nhất của hãng nghiên cứu JD Power về độ hài lòng của hành khách cho thấy Spirit và Frontier đứng cuối bảng xếp hạng.
Hà Thu (theo Reuters, CNN)