Thông tin này được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2017.
Giai đoạn này, Bộ Công Thương đã cổ phần hóa, chuyển đổi 13 doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần, tương đương 65% số doanh nghiệp phải cổ phần hóa. Các doanh nghiệp sau cổ phần đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, thoái vốn hầu hết khoản đầu tư ngoài ngành.
Dẫu vậy, Thanh tra Chính phủ cho rằng tái cơ cấu của Bộ này vẫn chưa kịp thời, chưa khắc phục được tình trạng một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động kém hiệu quả. Một số dự án đầu tư lớn lâm vào tình trạng trì trệ, chậm tiến độ, khó khăn, như 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương mà Chính phủ đang chỉ đạo xử lý.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp không hoàn thành theo đề án được duyệt, xử lý tài chính, công nợ, đất đai sai quy định; tỷ lệ vốn Nhà nước bán được quá thấp so với phương án, không chọn được nhà đầu tư chiến lược. Cùng đó, quản lý đất đai gắn với cổ phần hóa còn vướng mắc, thiếu chặt chẽ, quyết toán cổ phần hóa chậm.
Chẳng hạn, tại Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), việc xác định không đúng tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của 127 máy móc thiết bị của Thép miền Nam và Thép tấm lá Phú Mỹ, khiến xác định giá trị tài sản của VNSteel thiếu gần 345 tỷ đồng. Tổng công ty này cũng chưa hoàn thành thủ tục nộp ngân sách giá trị hai thửa đất tại Hà Nội, TP HCM gần 314 tỷ đồng sau khi cổ phần.
Trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh: Phùng Minh
Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đơn vị tư vấn lập sai công thức theo quy định của Bộ Tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), dẫn tới giá trị thực tế phần vốn Nhà nước thiếu hơn 261 tỷ đồng và hơn 79 tỷ đồng khoản lãi chênh lệch tỷ giá.
Còn Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc Bộ Công Thương phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa gồm hai khoản đầu tư góp vốn tại Matexim Hà Nội và Disoco không đúng thời điểm đã làm giảm giá trị hơn 3.200 tỷ đồng. Việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng chưa đối chiếu đầy đủ các khoản công nợ phải thu, phải trả lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trường hợp của Công ty Cổ phần Fococev Việt Nam - đơn vị chuyên cung ứng tinh bột sắn, có trụ sở tại TP HCM - được xác định có vi phạm khi xử lý tài chính với khoản nợ phải thu quá hạn không có khả năng thu hồi. Thời điểm chuyển sang công ty cổ phần (tháng 5/2016), số nợ không xác định vào giá trị doanh nghiệp khoảng 1.176 tỷ đồng.
Bộ Công Thương cũng chưa xử lý 791.610 m2 nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại Fococev. Việc sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước của doanh nghiệp này ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk cũng thực hiện không đúng quy định, dẫn tới nguy cơ thất thoát, lãng phí đất của Nhà nước.
Cũng theo kết luận, hầu hết công ty cổ phần hóa bán cổ phần không đạt tỷ lệ theo phương án được phê duyệt, không lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược...
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, tình trạng này có nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân nhà đầu tư thiếu cơ sở nghiên cứu, chuẩn bị tài chính trước khi tham gia. Theo đó, quy định thời gian chọn, bán đấu giá cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược không quá 3 tháng với các doanh nghiệp là hạn chế, nhất là với các doanh nghiệp quy mô lớn, tài sản cố định nhiều, tính kỹ thuật đặc thù như EVNGENCO3. Nhà đầu tư cũng không đủ thời gian khảo sát, tìm hiểu thông tin, thủ tục nội bộ để quyết định đầu tư.
Từ những vi phạm này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, đơn vị liên quan xử lý hơn 2.338 tỷ đồng; chuyển vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại Fococev ở Khánh Hòa, Đăk Lăk sang cơ quan điều tra Bộ Công an.
Phùng Minh