Hơn 200 doanh nghiệp đã tham gia buổi gặp gỡ của lãnh đạo TP HCM với ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông chủ đề: “Doanh nghiệp CNTT-VT xây dựng thành phố thông minh, hiện đại” sáng 10/3. Hàng loạt giải pháp đã được các doanh nghiệp hiến kế, từ giao thông thông minh, giáo dục thông minh đến kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn… Trong đó, nhận được đóng góp hàng đầu là giao thông thông minh, quản lý hạ tầng và số hóa dữ liệu.

Ông Phí Anh Tuấn - Giám đốc Công ty P.A.T đề xuất số hóa toàn bộ các khâu thu gom - vận chuyển và phân tích rác. “Hiện chỉ có Công ty công ích quận 1 áp dụng công nghệ thông tin để vận hành, còn các nơi khác không có các phân tích vĩ mô về quản lý rác thải. Chúng ta cần hình thành cơ sở dữ liệu về nguồn rác, quản lý đội ngũ và công cụ thu gom. Tiếp theo là số hóa quá trình vận chuyển để điều phối đội xe cho tối ưu, phần nào tránh được tắc đường khi vận hành”, ông Tuấn đề xuất.

Ông Huỳnh Ngọc Tuấn - Giám đốc giải pháp doanh nghiệp của CMC SISG cho biết, các mô hình thành phố thông minh đều cần kho dữ liệu tập trung. “Ý tưởng của chúng tôi là trong hai năm có thể xây được kho dữ liệu tập trung cấp thành phố, chứa dữ liệu của các ban ngành. Lợi ích đầu tiên là có thể thực hiện báo cáo liên ngành với các thông tin nhiều chiều, giúp báo cáo có chiều sâu. Ngoài ra, nhóm giải pháp hỗ trợ ra quyết định có khả năng tham mưu tự động cho cơ quan ra quyết định, rút ngắn thời gian tham mưu”, ông Tuấn nêu lợi ích.

“Hiện nay, cơ sở dữ liệu về thông tin môi trường, hồ sơ hộ tịch, dân cư... lưu trữ dạng giấy rất nhiều nên doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp giải pháp số hoá các dữ liệu này”, công ty FSI chia sẻ.

mr-tuyen-1629-1489133709.jpg

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP HCM nhắc Sở Thông tin - Truyền thông Thành phố chủ động mời doanh nghiệp tham gia xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: Viễn Thông

Phản hồi các đề xuất, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở Thông tin – truyền thông Thành phố sớm hối thúc các quận huyện hoàn tất việc số hóa thông tin về dân cư, đất đai ngay trong năm nay và chủ động mời doanh nghiệp tham gia cung ứng giải pháp chứ không phải đợi họ đi tiếp thị.

“Thành phố đang muốn phát triển thị trường bán lẻ. Hai doanh nghiệp nội lớn của Thành phố hiện có là Satra và Sài Gòn Co.op. Ngoài nhiệm vụ chiếm lĩnh thị trường, mở rộng mạng lưới thì việc giao hàng rất quan trọng. Tôi đang quan tâm đến công nghệ máy bay không người lái để giao hàng”, ông Tuyến gợi ý thêm cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở y tế đề xuất các doanh nghiệp hợp tác cùng nhau để xây dựng giải pháp bệnh án điện tử. Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) nêu ý định lập chợ thông minh. “Một đô thị thông minh thì phải có cái chợ về công nghệ thông tin. Trong cái chợ này phải có sàn giao dịch công nghệ thông tin để các công ty có thể biểu diễn, trình diễn các ý tưởng với nhau”, ông Hòa nhận định.

Tuy nhiên, làm thành phố thông minh không phải hoàn toàn thuận lợi. “Thách thức chung là nguồn lực chất lượng cao chưa đủ, mỗi lần tuyển dụng rất khó khăn.”, đại diện Liên minh các doanh nghiệp phát triển gia công phần mềm Việt Nam (VNITO) nêu ý kiến.

“Muốn xây dựng thành phố thông minh thì chính quyền Thành phố phải đóng vai trò chủ thể, hợp tác với doanh nghiệp, hiệp hội để cho ra một nền tảng kiến trúc và chuẩn kỹ thuật giao tiếp. Sau đó, công bố cho doanh nghiệp để họ dựa trên chuẩn đó mà phát triển giải pháp. Chứ bây giờ doanh nghiệp cứ 'trăm hoa đua nở', chúng ta áp dụng thì đến khi phát triển đến bậc cao hơn, cần sự kết nối và đồng bộ thì nó lại trở thành một đống hổ lốn”, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM lưu ý.

Mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ X. “Bất cứ dự án nào của Thành phố đầu tư trong thời gian tới thì tiêu chí hàng đầu sẽ là công nghệ chứ không phải là giá”, ông Tuyến khẳng định.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022