Chính phủ được giao tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng, theo Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Để khởi động dự án này, tại họp báo Chính phủ ngày 7/12, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết cơ quan này đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân và Tổ công tác để tiếp tục khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Theo ông Tân, Ban chỉ đạo dự kiến do Thủ tướng làm Trưởng ban. Các thành viên sẽ gồm các Bộ trưởng ngành liên quan. Còn tổ công tác thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo, dự kiến gồm đại diện các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học.

8-17335661331832037762531-6619-1733571388.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OYAYWlwc-bCk-2ppqZimAg

Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trả lời tại họp báo Chính phủ, ngày 7/12. Ảnh: VGP

Cùng với thành lập Ban chỉ đạo, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết hiện hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ cơ sở để triển khai dự án này. Trước đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung về phát triển điện hạt nhân. Hệ thống pháp luật khác liên quan đến đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường... cũng đủ cơ sở để thực hiện.

Tuần này, Chính phủ thông qua, dự kiến báo cáo Quốc hội để sửa Luật năng lượng nguyên tử. Đây cũng là một cơ sở liên quan đến chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Ngoài ra, để có thể triển khai được, Bộ Công Thương sẽ sớm trình các cơ quan có thẩm quyền để sửa Quy hoạch điện VIII.

Cũng theo Thứ trưởng, việc lựa chọn chủ đầu tư là một nội dung rất quan trọng. Bởi, đây là chủ thể sẽ triển khai toàn bộ quá trình, từ nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và vận hành nhà máy điện. Liên quan tới địa phương, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, sớm tạo điều kiện có mặt bằng sạch, sự đồng thuận của người dân cho dự án.

Điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Do đó, phát triển nguồn điện này giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050 theo cam kết tại COP26.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng việc tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận có thuận lợi do dự án đang nhận được sự đồng thuận rất cao. Dự án này thực chất đã được xem xét, có chủ trương từ giai đoạn trước nên có quá trình chuẩn bị nhất định.

Thách thức được ông Tân nhắc đến là câu chuyện lựa chọn công nghệ, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, những khuyến nghị của tổ chức quốc tế, khuyến cáo của cơ quan năng lượng nguyên tử cũng là những vấn đề cần lưu ý trong phát triển điện hạt nhân. Song, ông nói "hoàn toàn tin tưởng sẽ từng bước thận trọng thực hiện được việc này" bởi công nghệ hiện rất tiên tiến, đảm bảo an toàn ngày càng cao.

Về xác định tổng mức đầu tư, ông Tân cho biết phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện, cơ quan quản dự kiến con số sơ bộ sẽ lên tới hàng tỷ USD. "Con số này còn tùy thuộc vào quy mô, vị trí, yêu cầu công nghệ và an toàn", ông nói thêm.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022