13 đơn vị gồm Trung tâm nghiên cứu công nghệ VTT Phần Lan, Đại học Aalto cùng các công ty giấy đã phát triển thành công một máy sao chép quy trình gấp giấy origami dạng cuộn dùng cho vật liệu đóng gói, theo công bố đầu tháng 12.

Origami là nghệ thuật gấp giấy từ Nhật Bản, ghép từ hai chữ "ori " (gấp, xếp) và "kami" (giấy). Nếp gấp ứng dụng ban đầu là Miura, kỹ thuật dễ dàng gấp và mở bằng cách đẩy/kéo đường chéo tờ giấy.

Trọng lượng nhẹ, bền, cùng thiết kế mang tính thẩm mỹ của cấu trúc này giúp bìa origami trở thành giải pháp thay thế cho các vật liệu nhựa chống sốc quen thuộc. Về tốc độ sản xuất sản phẩm, một người gấp giấy bằng tay có thể mất vài giờ để đóng gói một chai rượu, máy gấp này chỉ cần vài giây.

p-2-91240551-origami-bubble-wr-9162-3365-1733479762.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=t9hJln_1CgDEeZNTnfjEVw

Thành phẩm bìa origami của các nhà nghiên cứu Phần Lan. Ảnh: VTT

Dự án do chính phủ Phần Lan hỗ trợ là một trong các giải pháp đóng gói nhằm giảm thiểu phát thải trong thương mại điện tử. Theo Fast Company, thị trường vật liệu đóng gói tiếp tục mở rộng với sự thống trị của ngành này, đi kèm với mối quan ngại về lượng phát thải carbon từ rác bao bì ngày càng tăng.

Báo cáo Kinh tế số của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) năm 2024 cho biết tại Hàn Quốc, rác thải bao bì từ thương mại điện tử nhiều hơn 4,8 lần so với mua hàng truyền thống. Bên cạnh đó, để đảm bảo hàng không hư hỏng khi vận chuyển, khâu gói hàng trong thương mại điện tử thường dùng nhiều vật liệu quá mức, đặc biệt là các loại nhựa chống sốc khó tái chế.

"Origami không có sẵn ở quy mô lớn cho công nghiệp đóng gói. Đó có thể là thứ đáng để theo đuổi", Jarmo Kouko - Trưởng nhóm nghiên cứu tại VTT, một công ty nghiên cứu và công nghệ thuộc chính phủ Phần Lan - cho biết.

Một điểm yếu của sản phẩm là chi phí sản xuất cao hơn vật liệu từ nhựa. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng khi ngày càng nhiều thương hiệu muốn tìm giải pháp thay thế nhựa, sản phẩm này sẽ có thị trường. Bìa origami cũng hấp dẫn về thị giác, phù hợp với các sản phẩm đắt tiền như mỹ phẩm.

JPG-Large-Fold-e-com-cosmetics-2578-4821-1733479762.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IJtZ8dw0PIJwtZ8u3XRjSg

Ứng dụng của FOLD trong đóng gói mỹ phẩm. Ảnh: VTT

Kouko lấy cảm hứng cho dự án khi tham dự một hội nghị về ngành bao bì với các kỹ thuật gấp khác nhau. Theo truyền thống, origami được gấp thủ công vài giờ đồng hồ để tạo những nếp gấp phức tạp và tinh xảo. Kỹ thuật chuyên sâu thường là hạn chế với phương thức đóng gói thương mại, nhưng Kouko muốn biến nó thành những nếp gấp cơ học trong vài giây, có thể tinh chỉnh vật liệu thành các dạng vừa có tính chống sốc, lại nhẹ nhàng, bắt mắt.

Dự án mang tên FOLD, gồm hai giai đoạn. Sau khi thiết kế máy gấp bìa cứng, các nhà nghiên cứu sẽ thử nghiệm trên các vật liệu khác. Đây được coi là cột mốc mở rộng phương thức ứng dụng bìa cứng trong công nghiệp đóng gói. Sau khi kết thúc dự án vào đầu năm 2026, các công ty giấy tham gia sẽ được phép thương mại hóa công nghệ này.

"Các doanh nghiệp ngành công nghiệp bao bì rất quan tâm đến FOLD. Chúng ta có thể thấy bìa origami trên thị trường trong 3-5 năm theo kế hoạch", Jari Räsänen, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển tại công ty Stora Enso - một trong những công ty tham gia dự án, cho biết.

Bảo Bảo (Theo Fast Company, VTT)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022