Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở nghị trường về báo cáo giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thảo luận, ông Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng những thất thoát, lãng phí rất lớn, làm mất đi cơ hội phát triển mà Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra "chỉ là phần nổi của tảng băng". Ông cho rằng, phía sau những lãng phí hữu hình ấy là lãng phí vô hình.
Ông đề cập một loại lãng phí vô hình là "lãng phí trách nhiệm" khi xây dựng dự toán ngân sách 2023. Nhiều nơi đang "đau đầu", làm sao sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình công cộng cấp bách hiệu quả mà không vi phạm quy định Luật Đầu tư công.
Theo ông, nhiều công trình cần thiết, nên làm bằng kinh phí chi thường xuyên để tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí... nhưng quy trình thủ tục nhiêu khê, tốn kém công sức, thời gian.
"Khi dùng nguồn chi thường xuyên, họ biết làm như vậy là phù hợp, là hiệu quả nhưng nơm nớp lo bị kiểm điểm", ông Hậu nói.
Nhiều trường hợp, các cơ quan phải tốn không ít thời gian và trí tuệ chỉ để tìm cho ra một cái tên của dự án sao cho "phù hợp quy định và tránh sự chú ý của cơ quan kiểm toán". Ông Hậu nhấn mạnh đây là việc "không ai muốn làm" và việc này đang diễn ra ở nhiều nơi trong mỗi kỳ lập dự toán ngân sách hàng năm.
Thực tế vướng mắc này từng được các đại biểu nêu tại kỳ họp thứ 3 (hồi tháng 6), nhưng tới nay chưa được giải quyết. Sau kỳ họp này, Bộ Tài chính đã soạn thảo tờ trình về nghị quyết về Bổ sung quy định về việc sử dung kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm.
Đây là văn bản nhằm khắc phục những bất cập trong triển khai thực hiện vấn đề liên quan trong khi chưa sửa được Luật Đầu tư công. Nếu nghị quyết này được ban hành sẽ là sự tháo gỡ lớn cho hàng trăm quận huyện của 63 tỉnh thành và nhiều bộ ngành.
"Nhưng gần nửa kỳ họp trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì, tôi hỏi một vị có trách nhiệm trong Bộ Tài chính thì được biết là chưa xong", đại biểu Hậu nói.
Ông Trần Hữu Hậu, đại biểu tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Phạm Thắng
Bên lề hành lang sáng nay, ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng nhận xét, việc lập, thẩm định dự toán ngân sách không sát thực tế, như trong dự toán thu ngân sách từ dầu thô, đất đai.
"Dự toán chưa sát, nên kết quả là có năm thu ngân sách vượt cao hơn nhiều dự toán, gây lãng phí. Quá trình lập dự toán đã chưa tính chính xác các khoản thu hoặc lĩnh vực có khó khăn, bất cập nhưng đã chưa được cơ quan chức năng dự báo, tính toán hết", ông nêu.
Cùng đó, chi phân bổ định mức sai đã tồn tại nhiều năm, chưa được khắc phục. Nhiều tiêu chuẩn, định mức trong một số lĩnh vực để lập dự toán, thanh quyết toán các khoản chi... đã lạc hậu, chưa được cập nhật, thay đổi sát thực tế.
"Đây là hạn chế khiến chưa thực sự tiết kiệm chi thường xuyên ở một số nội dung chi. Các bộ, ngành cần nhanh chóng rà soát lại các tiêu chuẩn, định mức để chi thường xuyên căn cơ, hiệu quả hơn", ông đề nghị.
Gỡ khó cho các địa phương, tránh lãng phí trách nhiệm xảy ra, đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị Chính phủ sớm xem xét, thông qua đề xuất của Bộ Tài chính; nhanh chóng trình Quốc Hội dự thảo nghị quyết về Bổ sung quy định về việc sử dung kinh phí chi thường xuyên để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm.
Theo ông, đây sẽ là hành lang pháp lý thông thoáng cho các địa phương và bộ ngành sử dụng hiệu quả hơn kinh phí chi thường xuyên hàng năm trong khi chưa thể sửa Luật Đầu tư công.
Ông nói thêm, nếu Quốc hội không thông qua Nghị quyết về vấn đề này thì những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ có rất nhiều cán bộ công chức, viên chức không dám làm chuyện cần làm. "Tức là trách nhiệm của họ bị thất thoát", ông Hậu nói.
Theo báo cáo của đoàn giám sát, tổng thu cân đối ngân sách 2016 - 2021 đạt hơn 8,45 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng thu và quy mô thu ngân sách 5 năm (2016-2020) gần 6,92 triệu tỷ đồng và bình quân 25,3% GDP, gấp gần 1,7 lần giai đoạn 2011-2015.
Ở khía cạnh chi ngân sách đã chuyển biến khi tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ 2,9% tổng chi ngân sách 2016 lên khoảng 29% năm 2020. Chi thường xuyên cũng giảm dần tỷ trọng từ 64,9% tổng chi năm 2017 xuống dưới 64% năm 2020.
Tuy vậy, báo cáo giám sát chỉ ra, phân bổ, xây dựng dự toán chi thường xuyên ngân sách còn chậm, chưa tiết kiệm, còn dàn trải, chồng chéo; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chi đầu tư và chi thường xuyên.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và giao dự toán chi ngân sách không đúng trình tự, còn giao nhiều lần, không đúng đối tượng. Một số đơn vị lập dự toán sai chế độ, tiêu chuẩn định mức hơn 1.997 tỷ đồng; tiền vi phạm đã xử lý, giảm dự toán hơn 8.582 tỷ đồng...
Theo số liệu của Bộ Tài chính, một số đơn vị lập dự toán chế độ, tiêu chuẩn định mức hơn 1.997 tỷ đồng; tiền vi phạm đã xử lý, giảm dự toán hơn 8.582 tỷ đồng... Vi phạm định mức, tiêu chuẩn là 1.773 vụ với giá trị kiến nghị thu hồi, bồi thường hơn 807 tỷ đồng...
Anh Minh - Sơn Hà