Chứng khoán khu vực châu Á có thể tăng 9% cho đến cuối năm tới, mức trung bình của 11 dự báo trong cuộc khảo sát các chuyên gia do Bloomberg tổng hợp. Hầu hết những yếu tố tiêu cực đè nặng lên khu vực này, từ đồng đôla Mỹ tăng giá quá cao, Trung Quốc đóng cửa vì Covid-19 hay chu kỳ suy thoái của chip, đang mờ dần. Điều này dẫn đến triển vọng thu nhập năm tới tốt hơn.
"Môi trường chứng khoán châu Á đang xoay trục", Frank Benzimra, chiến lược gia trưởng thị trường vốn khu vực châu Á tại Societe Generale SA, cho biết và nói thêm rằng, ông kỳ vọng thu nhập phục hồi từ quý II.
Chỉ số MSCI Châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản đã giảm 19% tính từ đầu năm 2022, sau khi giảm 4,9% vào năm 2021, làm gia tăng mức độ chênh lệch so với những thị trường khác trên toàn cầu. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rút hơn 50 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi bên ngoài Trung Quốc trong năm nay.
Chỉ số MSCI Châu Á - Thài Bình Dương có hiệu suất kém hơn S&P 500 tính từ đầu năm 2021.
Mặc dù không có chuyên gia nào cho rằng chứng khoán châu Á sẽ giảm trong năm tới, các dự báo có sự phân hóa mạnh, từ mức độ đi ngang đến mức tăng vọt 15%. Điều này nhấn mạnh sự thận trọng với rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và việc Trung Quốc mở cửa trở lại một cách khó khăn.
Chỉ số chung của khu vực được dự báo cũng có thể đánh bại S&P 500 theo cuộc khảo sát của các chiến lược gia, nhưng sẽ không thể lấy lại mức đỉnh của chính mình vào năm 2021 ngay cả khi ước tính lạc quan nhất trở thành sự thật.
Một cuộc thăm dò các nhà quản lý quỹ khu vực châu Á của Bank of America trong tháng này cũng cho thấy kết quả khoảng 90% số người được hỏi dự đoán sự tăng giá của chứng khoán châu Á ngoài Nhật Bản.
Việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách do đại dịch Covid-19 dự kiến thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn, cùng với các đối tác thương mại trong khu vực, với mức tăng trưởng dự báo gần 5% vào năm 2023. Một động lực khác sẽ là đồng bạc xanh yếu hơn, với chỉ số Dollar Index giảm dần từ mức kỷ lục vào tháng 9.
Giới phân tích cũng nhận thấy sự phục hồi của thị trường được thúc đẩy bởi mức định giá thấp, tiếp theo là kỳ vọng lợi nhuận tăng lên. Ước tính chỉ tiêu thu nhập của MSCI Châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản đã tăng 3,6% kể từ đầu tháng 11, cho thấy đà lao dốc trước đó có thể đã chạm đáy.
"Chúng tôi nghĩ rằng châu Á có thể vượt trội hơn vào năm 2023", Dan Fineman, đồng giám đốc chiến lược thị trường vốn khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Credit Suisse Group AG, viết trong một báo cáo vào tháng này. "Các nhà đầu tư toàn cầu sẽ chuyển tiền từ Mỹ sang châu Á nhờ vào nhiều yếu tố, gồm thu nhập, tỷ suất lợi nhuận vượt trội, đồng đôla yếu hơn và chuyển biến tích cực đối với các điều chỉnh EPS".
Một xu hướng đảo ngược trong năm tới là Trung Quốc sẽ trở thành nơi "có thể đầu tư" trở lại, theo Tina Teng tại CMC Markets. Hàn Quốc, và có thể là Đài Loan, đang nổi lên như những thị trường được yêu thích vì có thể hưởng lợi từ sự cải thiện trong chu kỳ hàng tồn kho của phần cứng công nghệ. Allianz SE, Morgan Stanley và Goldman Sachs Group cũng nằm trong số các nhà môi giới khuyến nghị thị trường.
"Việc định vị theo chu kỳ với Hàn Quốc và Đài Loan sẽ có ý nghĩa", Christian Abuide, người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản tại Lombard Odier cho biết. "Định giá cũng hấp dẫn hơn".
Sự chú ý ngày càng giảm với các thị trường ở phía Nam. Ấn Độ được định giá tương đối cao sau khi phá kỷ lục liên tiếp có thể khiến thị trường này hoạt động kém hiệu quả, trong khi đà tăng nóng của chứng khoán Indonesia đang giảm dần trong tháng này.
Tuy nhiên, một điều quan trọng cần lưu ý là các chuyên gia chứng khoán thường có xu hướng lạc quan trong năm mới. Các dự đoán cho năm 2022 cũng từng rất lạc quan.
Theo Bloomberg, có rất nhiều thách thức trong năm 2023, với những lo ngại về thời gian và mức độ mở cửa trở lại của Trung Quốc là mối lo chính. Bên cạnh đó, cũng có nhiều rủi ro khác khi các nhà đầu tư theo dõi các lỗi chính sách tiềm ẩn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự gián đoạn liên tục trong nguồn cung nông nghiệp do căng thẳng tại Ukraine.
"Thiên nga đen trong năm tới là nguy cơ Fed 'lại quá chậm trễ', nhưng lần này là chậm cắt giảm lãi suất", Havard Chi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Quarz Capital Asia Singapore, cho biết. Tuy nhiên, nhìn chung, chuyên gia này lạc quan về chứng khoán châu Á và dự đoán rằng Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương có thể tăng 10-15% vào cuối năm 2023, nhờ cải thiện định giá và thu nhập.
Minh Sơn (theo Bloomberg)