Báo cáo tài chính mới công bố cho thấy, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) có doanh thu gần 733 tỷ đồng, giảm 60% so với quý IV/2022. Phần sụt giảm chủ yếu đến từ mảng kinh doanh bất động sản, giảm đến 27 lần so với cùng kỳ.

Trong khi đó, mảng thu phí giao thông tăng trưởng 63% lên hơn 592 tỷ đồng, chiếm hơn 80% tổng doanh thu. Hồi cuối tháng 10/2023, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận - đơn vị vận hành dự án cùng tên, trở thành công ty con của CII, giúp hợp nhất kết quả kinh doanh của dự án này.

Nhờ giá vốn giảm mạnh hơn, lợi nhuận gộp kỳ này cao hơn quý IV/2022. Bên cạnh đó, CII ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng 2,5 lần, đa số đến từ chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính.

Trừ các chi phí, CII lãi 167 tỷ đồng sau thuế, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức lãi cao nhất 7 quý gần đây.

Tuy vậy, lũy kế cả năm, kết quả kinh doanh công ty giảm mạnh so với cùng kỳ. Doanh thu giảm 47% còn hơn 3.055 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 56% về khoảng 380 tỷ đồng. Công ty chỉ hoàn thành gần 60% chỉ tiêu doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Việc không hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã được ban lãnh đạo tiên lượng. Trong phiên họp bất thường hồi giữa tháng 10/2023, ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc CII, nói kết quả kinh doanh cả năm sẽ không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do không thể tăng mức phí thu tại các dự án BOT theo kế hoạch và vướng mắc pháp lý tại các dự án bất động sản chưa có phương án giải quyết.

CII đang sở hữu danh mục các dự án BOT lớn ở khu vực phía Nam gồm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, mở rộng Xa lộ Hà Nội, mở rộng Quốc lộ 60 và cầu Cổ Chiên, tỉnh lộ ĐT741 Bình Dương, mở rộng tuyến tránh TP Phan Rang - Tháp Chàm và Quốc lộ 1 qua Ninh Thuận.

Mảng thu phí giao thông mang về gần 1.700 tỷ đồng doanh thu trong năm vừa qua, tương đương 4,6 tỷ đồng mỗi ngày. Trong đó, dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chiếm gần một nửa. Gần đây, hai trạm thu phí Cà Ná trên Quốc lộ 1 (Ninh Thuận) và cầu Cổ Chiên (Trà Vinh) được chấp thuận tăng giá vé thêm 18%.

thuphi-1655958332-3825-1655958-2361-2958-1706695002.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ihE117RA-d-tSvslgS8BXQ

Trạm thu phí Cai Lậy trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Phương Linh

Thời gian qua, doanh nghiệp này đang tập trung tái cơ cấu tài chính khi tỷ lệ đòn bẩy luôn ở mức cao suốt nhiều năm. Đến cuối năm 2023, tổng nợ phải trả của CII hơn 24.700 tỷ đồng, tăng 22% chủ yếu do vay dài hạn ở các ngân hàng để đầu tư các dự án. Tổng nợ đang vượt 2,9 lần vốn chủ sở hữu.

Để tái cơ cấu tài chính, CII chọn phát hành tổng cộng 7.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi để chuyển từ việc phụ thuộc vào nợ vay bên ngoài sang vốn chủ sở hữu từ các cổ đông. Từ đó, tiền thu được từ các dự án BOT sẽ được dùng trả cổ tức, trái tức cho cổ đông và trái chủ, thay vì mang trả ngân hàng như trước đây. Trong đợt phát hành đầu tiên vừa hoàn tất vào cuối tuần rồi, doanh nghiệp này bán được hơn 99% tổng số trái phiếu chào bán và huy động được hơn 2.800 tỷ đồng.

Song song đó, công ty bắt đầu chia cổ tức đều đặn 16% mỗi năm. Đầu năm nay, họ chi 100 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 4%, tức một cổ phiếu sẽ nhận 400 đồng. Đây là đợt cổ tức tiền mặt đầu tiên của CII sau hơn 3 năm công ty ưu tiên dùng tiền trả nợ ngân hàng.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022