Chiều 13/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 18, cho ý kiến về bổ sung khoản viện trợ nước ngoài không hoàn lại (chi thường xuyên) vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, người thừa ủy quyền Chính phủ đọc tờ trình, cho biết, sau rà soát, thống nhất số liệu với Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ trình bổ sung hơn 14.713 tỷ đồng chi thường xuyên vào dự toán ngân sách năm 2021. Khoản này gồm viện trợ phòng chống dịch là hơn 11.360 tỷ đồng, và viện trợ khác gần 3.353 tỷ đồng.
Đây là những khoản đã được các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương nhận viện trợ và chi, nhưng chưa có trong dự toán ngân sách được Quốc hội thông qua trước đó.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền đọc tờ trình Chính phủ về bổ sung khoản viện trợ nước ngoài không hoàn lại (chi thường xuyên) vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, chiều 13/12. Ảnh: Nghĩa Đức
Thẩm tra, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, cho biết, thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán ngân sách thuộc Quốc hội.
Ông Cường dẫn quy định Hiến pháp và Luật Ngân sách Nhà nước cho thấy, mọi khoản thu, chi phải có trong dự toán ngân sách. Do đó, theo ông, việc Chính phủ trình bổ sung dự toán thu, chi ngân sách gồm các khoản đã chi để thực hiện quyết toán ngân sách 2021 là "chưa tuân thủ quy định pháp luật, ảnh hưởng đến tính minh bạch và kỷ luật tài chính".
"Đề nghị Chính phủ thực hiện đúng quy định của pháp luật. Với những vướng mắc do pháp luật dẫn đến không thể thực hiện được trên thực tế, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật", ông Cường nêu quan điểm.
Về điểm này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành chỉ thị về chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách Nhà nước. Theo dự thảo chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố... xác định rõ trách nhiệm các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và cá thể hoá trách nhiệm những cá nhân liên quan để xem xét xử lý các sai phạm.
Các đơn vị được yêu cầu tăng quản lý vốn viện trợ, nâng cao chất lượng lập dự toán thu, chi và quyết toán ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước... "Các bộ, ngành, địa phương phải kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách", Bộ trưởng Tài chính thông tin.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nêu ý kiến thẩm tra tại phiên họp 18 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 13/12. Ảnh: Nghĩa Đức
Cùng ngày, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh hơn 2.268 tỷ đồng từ dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế để bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 và năm 2023 của Bộ Tài chính. Đồng thời, Chính phủ xin điều chuyển số vốn này sang thành khoản chi đầu tư phát triển năm 2023 của Bộ Tài chính để thực hiện 95 dự án đầu tư công của hai cơ quan trên. Thời hạn giải ngân vốn hết năm 2024, tức kéo dài thêm một năm so với trước đây.
Sau thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội bổ sung hơn 14.713 tỷ đồng vốn viện trợ không hoàn lại vào dự toán ngân sách 2021 và điều chỉnh hơn 2.268 tỷ đồng vốn cho 95 dự án của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế.
Hai nội dung này sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường diễn ra đầu tháng 1 năm sau.
Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát chính xác số liệu, cập nhật kịp thời, làm rõ các nội dung đã chi, đảm bảo công khai, minh bạch. Cùng đó, Chính phủ cần xem xét trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong việc chậm phân bổ dự toán được Quốc hội giao, kéo dài việc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung dự toán thu, chi theo quy định.
Với các dự án đầu tư công tại Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các dự án đầu tư công được sử dụng vốn đúng, đủ và báo cáo Quốc hội vào cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Anh Minh