"Sự nguy hiểm của cuộc chiến này là rất khác thường", Dimon cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên CBS hôm 11/12. Ông cho rằng thế giới đang có "cảm giác sai về sự an toàn".

"Hiện tại, có vẻ châu Âu sẽ vượt qua rắc rối về dầu khí năm nay. Nhưng vấn đề này sẽ còn kéo dài nhiều năm. Vì thế, nếu tôi làm việc trong chính phủ, tôi sẽ chuẩn bị cho khả năng mọi việc tệ hơn. Hy vọng là điều đó không xảy ra. Nhưng tôi chắc chắn sẽ có sự chuẩn bị".

Jamie-dimon-The-hill-3184-1670818573.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pOdmBiVijMFI-r3tioZlEw

CEO JPMorgan Jamie Dimon trong một cuộc điều trần hồi tháng 9. Ảnh: The Hill

Xung đột Nga - Ukraine đang khiến các nước châu Âu ráo riết đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để tránh phụ thuộc vào Nga – nước cung cấp dầu khí lâu năm cho họ. Tình hình càng trở nên bất ổn khi mùa đông đến gần và người dân châu Âu cần sưởi ấm.

Tuy nhiên, giá dầu Brent hiện đã xuống thấp hơn cả trước chiến sự, sau khi tăng vọt lên ngay khi xung đột mới nổ ra. Dimon cho rằng đà giảm gần đây một phần do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sau vài năm thực hiện chính sách Zero Covid. Việc châu Âu bắt đầu bước vào suy thoái cũng khiến nhu cầu năng lượng giảm sút.

Ông cảnh báo đà giảm trong ngắn hạn này sẽ không kéo dài mãi, đồng thời kêu gọi thực hiện kế hoạch gồm đầu tư mạnh tay cho cơ sở hạ tầng năng lượng, để kéo sản lượng lên và ghìm giá xuống. "Tình hình sẽ đảo ngược thôi", ông nói, "Việc kém đầu tư vào dầu khí sẽ khiến chúng ta chịu tổn thương 2-3 năm sau. Việc này rất dễ đoán, chỉ là hiện tại chưa xảy ra".

Dimon cho biết ông thường xuyên nói chuyện với các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về các lo ngại của mình. "Chúng ta cần nguồn dầu khí ổn định, đáng tin cậy, giá rẻ", Dimon nói, "Nhưng bạn biết đấy, vấn đề là rất nhiều người nghĩ rằng giá dầu khí cao hiện tại là tốt cho hoạt động giảm phát thải khí CO2".

Hà Thu (theo The Hill)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022