Đây là kết quả phân tích được RIA Novosti (Nga) công bố dựa trên số liệu thống kê chính thức. Trong 9 tháng đầu năm nay, Đức đã giảm tổng lượng khí đốt nhập khẩu xuống 2,5 lần so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, chi phí nhiên liệu của nước này vẫn giữ nguyên do giá tăng gấp 2,5 lần.

Cụ thể, trong ba quý đầu năm nay, Berlin đã trả 21,3 tỷ euro (23 tỷ USD) để mua khí đốt từ nước ngoài, so với 22,2 tỷ euro cùng kỳ năm 2021, bất chấp sản lượng nhập khẩu giảm mạnh. Điều này là do giá trung bình năm cho một m3 khí đốt đã tăng hơn gấp đôi, từ 0,18 euro vào 2021 lên 0,45 euro năm nay.

fed1-2023-12-13T012054-550-6113-1702405875.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WDmqGXiUMPztC_4odZ1y1g

Một trạm nén khí ở Mallnow, Đức, ngày 13/6/2022. Ảnh: Reuters

Trước xung đột Ukraine, khí đốt Nga chiếm 40% sản lượng nhập khẩu của Đức. Do đó, đây là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi việc giảm phụ thuộc nguồn cung từ Nga.

Trong báo cáo phát hành cuối tháng 10, S&P Global dự báo giá khí đốt trong thời gian tới tại Đức vẫn sẽ cao, bất chấp nền kinh tế lớn nhất châu Âu liên tục phát triển cơ sở hạ tầng khí hóa lỏng (LNG), nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Dự kiến, công suất lưu trữ LNG của Đức sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2023 với việc triển khai một số điểm lưu trữ nổi và tái hóa khí (Floating Storage and Regasification Unit - FRSU) mới. Đức đang có công suất nhập khẩu LNG tổng hợp khoảng 18 tỷ m3 khí mỗi năm từ ba FSRU đang hoạt động ở Wilhelmshaven I, Brunsbuttel và Lubmin.

Trong hai tháng cuối năm nay, hai FRSU mới là Transgas Force (công suất 7,5 tỷ m3 mỗi năm) và Excelsior (5 tỷ m3 mỗi năm) sẽ được lắp đặt. Quý I/2024, một FRSU khác là Transgas Power (7,5 tỷ m3 mỗi năm) sẽ được lắp đặt và hoạt động.

Phiên An (theo RT, S&P)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022