Kể từ ngày ông Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ 2, các chỉ số đo lường mức độ không chắc chắn trong chính sách nói chung - đặc biệt là chính sách thương mại - đã tăng vọt, theo báo cáo mới phát hành của Goldman Sachs.

"Các dữ liệu cho thấy mức độ bất ổn hiện đã vượt xa mức từng ghi nhận trong nhiệm kỳ đầu và có thể tiếp tục leo thang khi các chính sách mới được công bố và các nước khác phản ứng với thuế quan của Mỹ", báo cáo nhận xét.

Bất ổn trong chính sách thuế của ông Trump ảnh hưởng rộng khắp thị trường chứng khoán, tài chính, hàng hóa cơ bản đến niềm tin của giới đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

screenshot-2025-04-11-at-17-14-3044-8983-1744367182.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6-gMnvoOxv9u0pqeyfDo0A

Diễn biến chỉ số bất ổn chính sách thương mại, đo bởi Matteo Iacoviello (xanh đậm) và Baker, Bloom, Davis (xanh nhạt). Nguồn: Goldman Sachs

Đầu tiên, thị trường chứng khoán, giao dịch hàng hóa chính là "nạn nhân" gần như ngay lập tức của các quyết định chính sách bất ngờ, thay đổi liên tục.

Trong động thái bất ngờ hôm 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng 90 ngày với hàng chục quốc gia, chỉ chưa đầy một tuần sau khi công bố. Tuy nhiên, ông vẫn tăng thuế với Trung Quốc và giữ nguyên mức 25% đối với nhôm, thép và ôtô.

Thông tin khiến thị trường chứng khoán toàn cầu bật tăng mạnh, sau đợt biến động khiến hàng nghìn tỷ USD vốn hóa bị cuốn bay. Ủy ban châu Âu hôm 10/4 cho biết tạm hoãn áp các biện pháp trả đũa với 23 tỷ USD hàng Mỹ. Nhưng thị trường quay đầu giảm mạnh hôm ấy, khi tâm lý lo ngại trở lại. Đến 11/4, Trung Quốc thông báo nâng thuế với hàng hóa Mỹ vào nước này lên 125%, trả đũa việc ông Trump nâng thuế đối ứng với Trung Quốc từ 84% lên 125%.

Dầu mỏ cũng trải qua tuần điêu đứng. Giá dầu thô Mỹ (WTI) 55,12 USD mỗi thùng vào 9/4, giảm 23% so với mốc chốt phiên hôm ông Trump tuyên bố áp thuế lên hơn 180 quốc gia. Giá dầu sau đó bật tăng trở lại sau khi ông Trump tuyên bố tạm hoãn thuế quan 90 ngày, nhưng vẫn quanh mốc 60 USD.

Vấn đề là các công ty dầu đá phiến Mỹ hiện cần giá dầu trung bình ít nhất 65 USD mỗi thùng để có lãi, theo khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh Dallas. Với mức giá hiện nay, nhiều công ty có thể phải giảm tốc độ khai thác trong vòng 6 tháng tới, theo Jim Burkhard, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ tại S&P Global Commodity Insights.

Tác động lên ngành dầu mỏ còn đến từ thuế thép của ông Trump, có thể khiến chi phí khoan tăng thêm 10%, buộc doanh nghiệp cần giá dầu cao hơn để duy trì hiệu quả kinh tế. Nhiều lãnh đạo ngành dầu đá phiến bày tỏ sự bất mãn trong khảo sát ẩn danh của Fed Dallas công bố tháng 3: "Hơn 40 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ thấy mức độ bất định lớn như lúc này", một lãnh đạo chia sẻ.

2025-04-10T200139Z-1465028290-3071-4581-1744367183.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fywHVAFvZigIlyxhJU4vAQ

Một nhân viên giao dịch tại sàn New York ngày 10/4. Ảnh: Reuters

Thứ hai, môi trường bất ổn khiến các doanh nghiệp không dám đầu tư và ra các quyết định kinh doanh. Ông Jim Burkhard tại S&P Global Commodity Insights nói các nhà sản xuất dầu phải đối mặt với một môi trường "cực kỳ bất ổn" khiến họ do dự về các quyết định đầu tư.

Chris Bergen, chủ một công ty thi công nhà kính trồng cây ở Minnesota (Mỹ) nói tình hình kinh doanh như đang "đi trên dây". Cứ đến tháng 6 hàng năm, công ty ông nhập rêu than bùn từ Manitoba, Canada. Nhưng hiện nhà cung cấp không còn báo giá, chờ chính sách thuế rõ ràng hơn.

Trong khi đó, chậu nhựa mua từ Trung Quốc có thể đội giá, khiến biên lợi nhuận vốn đã "mỏng như dao cạo" càng bị siết chặt. "Chúng tôi không đạp phanh, nhưng đã nhả chân ga", Bergen nói.

Nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra sau thời hạn tạm hoãn 90 ngày. "Hiện nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp không thể lên kế hoạch với bất kỳ sự tự tin nào và có thể rơi vào suy thoái dù có chuẩn bị hay không", Marcus Brookes, Giám đốc đầu tư tại Quilter Investors nói. Theo ông, chi tiêu và đầu tư sẽ bị cắt giảm.

Goldman Sachs ước tính bất ổn gia tăng gần đây có thể kéo giảm tăng trưởng đầu tư tại Mỹ khoảng 5 điểm phần trăm. Nhà băng này dự báo đầu tư kinh doanh sẽ gần như đi ngang trong năm tới, và xác suất suy giảm đầu tư tăng lên 45%.

"So với cuộc chiến thương mại lần đầu, ảnh hưởng lần này có thể nghiêm trọng hơn do nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn về thuế cả ở Mỹ và các nước khác, cũng như những lo ngại về chính sách tài khóa và nhập cư", Goldman Sachs nhận định. Chỉ số theo dõi mức độ lạc quan trong kinh doanh, tổng hợp từ 13 khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp về triển vọng kinh tế trong 6-12 tháng tới, đã giảm mạnh kể từ tháng 3.

screenshot-2025-04-11-at-17-10-8130-2550-1744367183.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yhZFtHw1ZM5kOKlXehEt5Q

Diễn biến mức độ lạc quan kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ. Nguồn: Goldman Sachs

Thứ ba, chuỗi cung ứng trở nên biến động, đắt đỏ. Theo Giáo sư Kế toán và Kiểm soát Quản trị Martin Jacob tại Trường Kinh doanh IESE, Đại học Navarra (Tây Ban Nha), các thay đổi chính sách đang tạo ra mức độ bất định lớn và là yếu tố đặc biệt bất lợi với hoạt động kinh doanh.

"Một trong những phản ứng điển hình của doanh nghiệp trước thuế quan và sự bất định là tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tránh xa các quốc gia có mức thuế cao hoặc chính sách thiếu ổn định", ông chỉ ra trên tạp chí Conversation.

Tuy nhiên, theo ông điều này không dễ dàng và chắc chắn không hề rẻ. Với các doanh nghiệp châu Âu, việc thay thế hoàn toàn các nhà cung cấp tại Mỹ, cắt giảm nhập khẩu từ đối tác thương mại lớn nhất của mình, hay tìm kiếm các thị trường thay thế đều kéo theo chi phí rất lớn.

Lấy ngành cà phê làm ví dụ. Colombia và Brazil là hai quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu, trong khi chỉ khoảng 0,35% lượng cà phê tiêu thụ tại Mỹ được sản xuất trong nước, chủ yếu ở Hawaii. Dù áp thuế cao đến đâu, chính sách cũng không thể tái tạo điều kiện tự nhiên của Nam Mỹ để trồng cà phê.

Lương nhân công cũng là yếu tố không thể bỏ qua, đặc biệt trong các ngành như may mặc và giày dép. Do đó, nếu Nike quyết định chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất về Mỹ, chi phí nhân công sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng vọt. "Nói cách khác, việc đưa toàn bộ các công việc sản xuất lương thấp quay trở lại Mỹ là điều không khả thi về mặt kinh tế", Giáo sư Martin Jacob chỉ ra.

Thứ tư, chính sách thuế khó lường còn phủ bóng lên tâm lý tiêu dùng. Tại Mỹ, dữ liệu về tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp duy trì mức thấp lịch sử 4,1% cho thấy nền kinh tế vững vàng. Nhưng các khảo sát cho thấy người tiêu dùng đã bắt đầu chi tiêu thận trọng hơn và gia tăng tiết kiệm, điều có thể ảnh hưởng đến hai phần ba nền kinh tế.

Hiệp hội Phân phối và Bán lẻ Giày dép Mỹ (FDRA) cho biết trong 11 tuần kể từ khi ông Trump nhậm chức, doanh số tại cửa hàng giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội này có các thành viên như Nike, Adidas, Skechers và Walmart.

2024-05-16T171234Z-2122344855-8828-3702-1744367183.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W07Z1YGZAHargJ8H4Sz_bA

Khách hàng tại một siêu thị của Walmart ở Porter Ranch section, Los Angeles. Ảnh: Reuters

Theo Goldman Sachs, chi tiêu phần nào giảm là điều khó tránh khỏi, khi tăng trưởng cung lao động và việc làm đều chậm lại và thuế quan làm giảm thu nhập khả dụng thực tế. Ước tính chính sách thương mại đang tạo sức ép giảm 20.000 việc làm mới mỗi tháng.

Cắt giảm chi tiêu liên bang sẽ khiến tăng trưởng việc làm khu vực công giảm 25.000-30.000 mỗi tháng. Các khu vực phụ thuộc vào ngân sách như chính quyền địa phương, y tế và giáo dục giảm khoảng 35.000 vị trí tuyển dụng mỗi tháng.

Ngoài ra, sự không chắc chắn cao còn có thể tạo ra hai lực cản khác đến tiêu dùng. Đầu tiên, nó góp phần kéo giảm thị trường chứng khoán, khiến hiệu ứng tài sản đối với tiêu dùng chuyển từ mức hỗ trợ 0,25-0,5 điểm phần trăm năm ngoái thành lực cản khoảng 0,25 điểm phần trăm năm nay. Thứ hai, tâm lý yếu đi và nỗi lo mất việc gia tăng có thể khiến người dân tăng tiết kiệm.

Những tác động từ yếu tố bất định trong chính sách của ông Trump dự báo phủ bóng mùa công bố lợi nhuận dự kiến bắt đầu sôi động từ tuần tới.

Trong những hé lộ gần đây, Volkswagen Group cảnh báo lợi nhuận quý I thấp hơn kỳ vọng, do phải trích lập chi phí cho các xe xuất sang Mỹ. Stellantis cũng thông báo tạm cho nghỉ việc 900 nhân viên tại 5 cơ sở ở Mỹ và tạm dừng sản xuất tại một nhà máy lắp ráp ở Mexico và Canada.

Tại Serbia, công ty Testeral, chuyên sản xuất sản phẩm nhôm và nhựa PVC cho ngành xây dựng, cảnh báo có thể phải cắt giảm nhân sự nếu thuế tiếp tục được duy trì. Chưa nhiều triển vọng tích cực vì niềm tin về tương lai hiện yếu hơn so với một tháng trước, theo Jim Burkhard tại S&P Global Commodity Insights.

"Liệu Mỹ có thể đàm phán với 70 quốc gia cùng một lúc không? Tôi không nghĩ rằng sự hỗn loạn đã kết thúc", ông nói.

Goldman Sachs kết luận sự kết hợp giữa thuế quan cao hơn, mức độ bất ổn chính sách gia tăng, niềm tin suy giảm trong kinh doanh và tiêu dùng, cùng tín hiệu từ Nhà Trắng cho thấy sẵn sàng chấp nhận "đau đớn" trong ngắn hạn để theo đuổi mục tiêu chính sách đều làm tăng rủi ro suy thoái.

Phiên An (theo Goldman Sachs, Reuters, Conversation, NYT)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022