Tại hội thảo khoa học gần đây, ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận định, ngành hàng không không chỉ là huyết mạch giao thông, mà còn đóng vai trò quan trọng cả về kinh tế, an ninh, quân sự, chủ quyền quốc gia. Do đó, việc duy trì sự ổn định, an toàn, hiệu quả của ngành có vị trí trọng yếu trong phát triển kinh tế xã hội.
"Để trở thành một trung tâm tầm cỡ về kinh tế, văn hóa, du lịch của châu Á và trên thế giới. Việt Nam cần đầu tư trọng điểm để hình thành một doanh nghiệp hàng không mạnh, để cạnh tranh trên thị trường quốc tế", ông nói.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vietnam Airlines
Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Vietnam Airlines cũng khẳng định hãng nhận thức rõ "máy bay Vietnam Airlines bay đến đâu 'biên giới mềm' mở rộng đến đấy". Biên giới mềm là khái niệm được sử dụng trong bối cảnh toàn cầu hóa nhằm chỉ ranh giới vô hình giữa các quốc gia, không phụ thuộc vào địa lý, được xác định thông qua sức ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học kỹ thuật và xã hội.
Đây là vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước và hãng hàng không quốc gia. Theo đó, Vietnam Airlines đã tiến hành nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn từ đại dịch, suy thoái kinh tế, từ đó, đạt nhiều thành tựu và tăng trưởng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tính đến cuối năm nay, hãng khai thác 91 đường bay, trong đó 57 đường bay quốc tế và 34 đường bay nội địa, tới 54 điểm đến, gồm: 32 điểm quốc tế và 22 điểm nội địa. Ngoài ra, là thành viên trong liên minh hàng không Sky Team, Vietnam Airlines hợp tác với nhiều hãng hàng không khác để mở rộng mạng bay kết nối trên 1.000 điểm đến trên toàn cầu.
Hiện, đơn vị cũng là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam khai thác các đường bay tới châu Âu và có đường bay thẳng tới châu Mỹ. Vietnam Airlines đang nghiên cứu mở thêm các đường bay đến các điểm bay khác như Copenhagen (Đan Mạch), Los Angele và Seattle (Mỹ), Vancouver (Canada), Darwin (Australia), Dubai (UAE), Bangalore (Ấn Độ), Dhaka (Bangladesh)...
Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa trình bày tại hội thảo về chủ đề "Tiềm năng phát triển ngành hàng không Việt Nam trong kỷ nguyên mới, vai trò của Vietnam Airlines, Hãng hàng không Quốc gia với sự nghiệp phát triển đất nước, đưa Việt Nam phát triển toàn diện, bứt phá và cất cánh". Ảnh: Vietnam Airlines
Song song, Vietnam Airlines thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện phát động du lịch Việt Nam như Năm du lịch Quốc gia Quảng Nam; Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn (Quảng Ninh); Festival Huế, Festival biển Nha Trang; Tái khám phá Việt Nam (Thái Lan, Hàn Quốc) và nhiều chương trình quảng bá khác tại Đức, Italy, Pháp... nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Với những nỗ lực này, Vietnam Airlines đã trở thành một phần hình ảnh của quốc gia, góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước đến với thế giới, đưa các nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Đồng thời, hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong khu vực.
Trong 30 năm hoạt động, Vietnam Airlines vận chuyển hơn 300 triệu lượt khách, xấp xỉ 4,5 triệu tấn hàng hóa trên 1,6 triệu chuyến bay, đạt mốc doanh thu 1,1 triệu tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước hơn 65.300 tỷ đồng. Từ 20 máy bay với doanh thu hơn 900 tỷ đồng vào năm 1993, đến 2019, hãng vận hành hơn 100 máy bay hiện đại thế hệ mới với doanh thu đạt trên 103.000 tỷ đồng, gấp hơn 100 lần so với 30 năm trước đây. Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam hiện khai thác đội tàu thân rộng thế hệ mới nhất A350 và Boeing 787.
Bên cạnh đó, hãng hàng không quốc gia Việt Nam chú trọng chuyển đổi số, xây dựng văn hóa số, đẩy mạnh các giải pháp xanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng, an toàn bay... nhằm xây dựng thương hiệu bền vững trong nước và trên trường quốc tế.
Vietnam Airlines được Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Skytrax trao chứng chỉ công nhận Hãng hàng không 4 sao liên tục suốt từ năm 2016 đến nay. Đơn vị là hãng hàng không đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đạt được chứng nhận này.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines vẫn còn những hạn chế nhất định và phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề về thể chế, về sự nhất quán trong triển khai quan điểm của Đảng về doanh nghiệp nhà nước.
Phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề "Giải pháp xây dựng thương hiệu quốc gia Vietnam Airlines". Ảnh: Vietnam Airlines
Theo đó, trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia đưa ra giải pháp kiến nghị nhà nước đẩy mạnh công tác hoàn thiện khung pháp lý, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm giúp doanh nghiệp nhà nước nói chung và Vietnam Airlines nói riêng phát triển bền vững, cân đối giữa nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh tế. Các đơn vị này cũng cần tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, đồng thời, hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế...
Những thông tin này được trao đổi trong hội thảo "Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines". Tại đây, các chuyên gia đã phân tích tiềm năng phát triển, những lợi thế, thành tựu và hạn chế của ngành hàng không, từ đó, đề xuất các giải pháp hướng tới phát triển bền vững.
Nhật Lệ