Tại Hội nghị Thượng đỉnh "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC)" lần đầu tổ chức, ngày 18/12, tại Tokyo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có quyết tâm và hành động thực tiễn.

Để hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng về 0, Thủ tướng Việt Nam đề xuất các lĩnh vực hợp tác thời gian tới phải đa dạng hóa nguồn năng lượng sạch và công nghệ mới. Các nước cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo người dân châu Á được tiếp cận rộng rãi nguồn năng lượng sạch, đáp ứng khả năng chi trả của họ. Việc này nhằm bảo đảm chuyển đổi năng lượng sạch phù hợp với điều kiện từng nước.

"Cơ chế tài chính về khí hậu, hợp tác công - tư và khu vực tư nhân cần đẩy mạnh, tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vốn ưu đãi", Thủ tướng nói.

Với quyết tâm, hành động mạnh mẽ và sự hỗ trợ tích cực từ các quốc gia phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng một châu Á phát thải ròng bằng 0 sẽ thành hiện thực, mang lại phồn vinh cho cộng đồng và tương lai bền vững toàn cầu.

Thu-tuong-Pham-Minh-Chinh-AZEC-4217-4634-1702886653.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jkmTW7N1WtcsxDsw49ilVA

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC)", ngày 18/12, tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết thêm, Việt Nam triển khai nhiều giải pháp với tư duy, cách tiếp cận mới để thực hiện các cam kết tại COP 26 giảm phát thải ròng về 0 vào 2050. Theo đó, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh và Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo được xây dựng, thông qua để hiện thực hóa mục tiêu cam kết.

Việt Nam cũng xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) và công bố kế hoạch huy động nguồn lực triển khai chương trình này.

Cùng Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, Việt Nam đang hoàn thiện Luật Đất đai và Luật Điện lực theo hướng thúc đẩy năng lượng tái tạo theo cơ chế thị trường, phát triển điện sinh khối và giao dịch tín chỉ carbon.

Tại hội nghị, các nước ASEAN, Nhật Bản và Australia cam kết phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được ba mục tiêu, là giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế tại châu Á.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida khẳng định AZEC đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đổi mới, xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch và mở rộng thị trường năng lượng sạch, công nghệ tiên tiến. Hội nghị này cũng thúc đẩy phát triển và phối hợp chính sách về chuyển đổi năng lượng, phù hợp với tình hình và điều kiện mỗi quốc gia, cũng như hợp tác đối tác công tư, tư nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở khu vực.

Gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, trong đó có tạo thuận lợi thúc đẩy thương mại đầu tư, hợp tác năng lượng sạch, giáo dục đào tạo. Hai nước sẽ sớm trao đổi về các nội hàm tiến tới nâng cấp quan hệ Việt Nam và Singapore lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào thời gian phù hợp.

Hai Thủ tướng cũng nhất trí sớm cụ thể hóa quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - Kinh tế số đã thiết lập; mở rộng mạng lưới các khu công nghiệp VSIP sang các địa phương xa trung tâm và khuyến khích chuyển đổi các khu VSIP sang khu công nghiệp kết hợp năng lượng thông minh, xanh, phát thải carbon thấp (VSEP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính công tác tại Nhật và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản, từ ngày 15-18/12. 2023 là năm Việt - Nhật kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi tháng 11.

Hoài Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022