Đầu tháng 8, các quan chức Bulgaria phát hiện có điều gì đó không hợp pháp. Các thùng dầu Nga đã đến nước này với giá trên mức trần 60 USD mà phương Tây áp đặt nhằm làm giảm nguồn thu của Moskva.
Trong Liên minh châu Âu, Bulgaria được miễn trừ các lệnh trừng phạt liên quan đến cấm nhập dầu Nga để đảm bảo không phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng. Nhưng liệu họ có thể nhập dầu của Nga nếu giá vượt trần?
Hải quan ở Sofia của Bulgaria muốn biết chắc nên đã liên hệ với các quan chức EU để yêu cầu "làm rõ". Câu trả lời họ nhận được là: Để cho nó vào.
Theo dữ liệu hải quan mà Politico tiếp cận được, Bulgaria đã nhập khẩu dầu thô Nga trên mức giá trần từ tháng 8 đến tháng 10. Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho biết các lô hàng này trị giá khoảng 640 triệu euro. Tiền mặt được chuyển đến các công ty năng lượng Nga.
Bulgaria là một trong những lỗ hổng của một loạt gói trừng phạt mà châu Âu tung ra thời gian qua nhằm khiến Nga giảm doanh thu xuất khẩu năng lượng. Nhưng thay vì chấp nhận các quy định cứng rắn được EU thiết kế để tiêu hao tài chính của mình, Moskva tận dụng các kẽ hở và phát triển những phương thức lách lệnh trừng phạt, điều mà một quan chức cấp cao Ukraine đã mô tả là "chiến lược con gián".
Kết quả là, khoảng một năm sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt, mọi nỗ lực của EU bị ăn mòn. Doanh thu xuất khẩu dầu của Nga chỉ giảm 14% kể từ khi bị trừng phạt. Và vào tháng 10, doanh thu năng lượng hóa thạch của Nga đạt mức cao nhất 18 tháng. Tóm lại, các biện pháp trừng phạt đã không đạt mục tiêu, theo Politico.
Sau đây là những kẽ hở và cách thích ứng của "chiến lược con gián".
Lỗ hổng tại Bulgaria
Lỗ hổng tại Bulgaria được cho là do sự giám sát của cơ quan văn thư. Khi giá trần của EU được G7 thống nhất, họ đã cấm các công ty vận tải và bảo hiểm châu Âu cung cấp dịch vụ cho dầu Nga giao thương với các nước ngoài EU, nếu giá bán trên mức trần 60 USD.
Nhưng các quan chức EU lại chưa bao giờ nghĩ đến việc áp đặt quy định tương tự với các chuyến hàng đến EU. Một phần vì Brussels đã cấm nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga cùng ngày hôm đó, ngoại trừ Bulgaria.
Sơ hở này đã mang lại cơ hội cho Moskva. Theo CREA, từ tháng 8 đến tháng 10, tất cả chuyến hàng dầu Nga đến Bulgaria đều có giá từ 69 đến 89 USD mỗi thùng. Giao dịch cũng dựa vào phương Tây, gồm từ các nhà khai thác tàu Hy Lạp và công ty bảo hiểm Anh và Na Uy. Và tất cả hợp pháp về mặt kỹ thuật.
Bulgaria được miễn lệnh cấm dầu Nga mang lại lợi nhuận cho Lukoil - công ty dầu tư nhân lớn nhất của Nga và điện Kremlin. Kể từ khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, xuất khẩu dầu của Lukoil sang Bulgaria thu về hơn 2 tỷ euro. Trong đó, điện Kremlin kiếm một tỷ euro trực tiếp từ tiền thuế bán hàng.
Theo Isaac Levi, Trưởng nhóm Nga - châu Âu của CREA, trường hợp Bulgaria "nêu bật một trong nhiều lỗ hổng khiến các biện pháp trừng phạt kém hiệu quả hơn trong việc làm giảm thu nhập từ xuất khẩu của Nga". Giới chức Bulgaria đang chịu áp lực tìm cách lấp lỗ hổng này.
Năng lực thực thi kém
Tháng 10, một báo cáo do Nghị viện châu Âu ủy quyền cho thấy việc thực thi các lệnh trừng phạt của EU "rải rác" ở hơn 160 chính quyền địa phương. Các nước có "hệ thống thực thi không giống nhau", bao gồm "sự khác biệt lớn" về mức phạt đối với các hành vi vi phạm.
Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô tại công ty tình báo thị trường Kpler, cho biết ngay cả những người liên quan đến vận chuyển dầu cũng chỉ được tiếp cận hạn chế với thông tin về giao dịch. Ví dụ, các công ty bảo hiểm dựa vào một tài liệu duy nhất từ các công ty mua bán dầu, nơi họ cam kết giá bán không vượt quá 60 USD mỗi thùng. Theo ông, nó tương tự như một "tuyên bố đức tin".
Một số nước EU có ngành vận tải biển lớn cũng ngần ngại thắt chặt. Trong đợt trừng phạt mới nhất, Síp, Malta và Hy Lạp lần nữa nêu lo ngại việc tăng cường các hạn chế. Một nhà ngoại giao cho rằng các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn chỉ thúc đẩy Nga sử dụng dịch vụ ngoài phương Tây để chở dầu.
Tàu chở dầu thô và tàu chở hàng rời đi qua vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga, ngày 4/12/2022. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, EU vẫn cho phép dầu Nga đi qua vùng biển của họ để đến nơi khác. CREA phát hiện 822 tàu vận chuyển dầu thô Nga đã giao hàng cho tàu khác trong lãnh hải EU kể từ khi lệnh trừng hiệu lực vào tháng 12/2022. Khối lượng tương đương 400.000 thùng mỗi ngày.
Tuy nhiên, theo một số quan chức, những lỗ hổng là bình thường vì đây là lần đầu tiên EU triển khai các biện pháp trừng phạt ở quy mô như vậy. "Công bằng mà nói tất cả biện pháp trừng phạt đều chưa từng có, vì vậy cũng có yếu tố cần rút kinh nghiệm. Chúng ta không sống trong một thế giới hoàn hảo, chỉ có cầu vồng và kỳ lân", một nhà ngoại giao nhận xét.
Người phát ngôn của Ủy ban bảo vệ các lệnh trừng phạt của EU nói Nga đã buộc phải chi "hàng tỷ USD" để thích ứng với thực tế mới, bao gồm cả việc mua thêm tàu chở dầu cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu và khai thác khi nhu cầu của phương Tây suy giảm. CREA cho rằng giá trần đã tước đi 34 tỷ euro doanh thu xuất khẩu của Nga, tương đương với khoảng hai tháng thu nhập năm nay.
'Hạm đội bóng tối'
Về phía Nga, một "hạm đội bóng tối" gồm các tàu chở dầu cũ kỹ đã xuất hiện, được quản lý bí ẩn thông qua mạng lưới các công ty che giấu quyền sở hữu. Dầu được sang tay giữa các tàu ngay trên biển. Để miễn nhiễm các lệnh trừng phạt của phương Tây đồng thời đáp ứng các yêu cầu cơ bản về hàng hải, một ngành công nghiệp nhỏ gồm các công ty bảo hiểm đã mọc lên ở các nước như Ấn Độ.
Byron McKinney, Giám đốc thương mại và hàng hóa S&P, cho rằng giá trần có hiệu lực chỉ trong thời gian ngắn ban đầu. "Nhưng hiện tại, tình hình là hầu hết biện pháp trừng phạt được áp dụng đều không thực sự hiệu quả, hoặc chúng rất hạn chế", ông nhận xét.
Katona, nhà phân tích dầu mỏ của Kpler cho biết các giao dịch của Nga ngày càng rời xa các nhà khai thác và thương nhân phương Tây. "Mọi loại dầu Nga hiện đều giao dịch trên giá trần, trong khi CREA ước tính chỉ 48% lượng dầu Nga được vận chuyển bởi tàu chở thuộc sở hữu hoặc bảo hiểm ở các nước G7 và EU trong tháng 10", ông nói.
Các nước như Ấn Độ đã tăng nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga lên 134%, theo CREA. Họ chế biến và sau đó bán nó đi khắp nơi. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng châu Âu có thể vô tình tiêu thụ dầu thô của Nga.
Phương Tây đang suy yếu?
EU nhận thức rõ vấn đề này. "Trừ khi có những đối tác lớn như Ấn Độ và Trung Quốc tham gia, tính hiệu quả (lệnh trừng phạt) sớm hay muộn sẽ mất đi", một quan chức cấp cao của Ủy ban bảo vệ các lệnh trừng phạt của EU thừa nhận. Tất nhiên, hầu như không có hy vọng hai nền kinh tế trên ủng hộ.
Theo quan chức này, thực tế cho thấy những giới hạn mà các công cụ trừng phạt của phương Tây có thể làm được ở cấp độ toàn cầu. "Bài học về sự cân bằng quyền lực toàn cầu đã thay đổi nhiều so với 10 hoặc 20 năm trước", người này nói.
Có vẻ như EU đã cạn kiệt sức lực. Gói trừng phạt thứ 12 sắp tới của EU quy định buộc các nhà giao dịch phải kê từng khoản chi phí cụ thể. Mục đích là để ngăn người mua dầu của Nga vượt giá trần và sau đó che giấu bằng cách chi phí bổ sung bảo hiểm hoặc vận chuyển. Nhưng rất ít người trong ngành hy vọng rằng thủ tục bổ sung sẽ giải quyết được vấn đề.
Alexandra Prokopenko, nhà kinh tế tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia, cho rằng dù châu Âu tung ra gói trừng phạt mới nhất, nền tài chính Nga vẫn sẽ không thực sự suy yếu. Theo bà, Nga sẽ chật vật nếu giá dầu trung bình dao động quanh 40 hoặc 50 USD mỗi thùng. Tuy nhiên, giá dầu giảm về mức đó không dễ.
"Nền kinh tế Nga là một con thú khá lớn. Điều đó khiến cho việc bắn nó chỉ bằng một phát súng trở nên khó khăn", Prokopenko nói.
Phiên An (theo Politico)