Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi (Yemen) vào tàu hàng đi qua Biển Đỏ sau khi chiến sự Israel - Hamas bùng phát hồi đầu tháng 10/2023 khiến vận chuyển hàng hóa, du lịch bằng tàu biển - ngành công nghiệp hàng tỷ USD - giữa châu Âu và châu Á bị ảnh hưởng.

Royal Caribbean International (RCI), một trong những hãng tàu biển lớn nhất thế giới, tuyên bố hôm thứ Năm rằng họ phải hủy hai chuyến tàu du lịch tới Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, UAE) và Mumbai (Ấn Độ) vào cuối tháng 1 và 2 vì những diễn biến leo thang tại Biển Đỏ.

Tuần trước, hãng phải đổi lịch trình của chuyến hành trình giữa Aquaba và Muscat sang đón khách tại một thành phố cảng gần Athens (Hy Lạp).

"Nhóm an ninh toàn cầu của hãng tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình trong khu vực và chúng tôi sẽ thực hiện các thay đổi bổ sung nếu cần thiết", đại diện Royal Caribbean nói.

tau-du-lich-cua-MSC-copy-1766-1705802240.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4LOX4SO61hW5GK7FUhbPeg

Tàu du lịch MSC World Europa của MSC Cruises khởi hành từ Grand Harbor ở Valletta, Malta, tháng 12/2023. Ảnh: Reuters

Tương tự, nhà điều hành MSC Cruises cho biết họ đã hủy ba chuyến đi trong tháng 4 từ Nam Phi và UAE đến châu Âu do cuộc khủng hoảng Biển Đỏ.

Hãng thông báo, sự an toàn của hành khách và thủy thủ đoàn là ưu tiên số một và vì không có hành trình thay thế khả thi nên công ty đã phải hủy các chuyến đi. "Ba tàu sẽ chuyển thẳng đến châu Âu mà không có hành khách nào trên tàu và tránh đi qua Biển Đỏ", nhà điều hành MSC Cruises nói.

Trong khi đó hãng du thuyền Costa Cruises (Italy) nói với Reuters hôm thứ Năm rằng các tuyến đường của họ "không thay đổi". Chỉ hai trong số các chuyến du lịch dự kiến đi qua Biển Đỏ vào tháng 3 và tháng 4 có thể bị ảnh hưởng, gồm chặng cuối của chuyến đi vòng quanh thế giới.

Căng thẳng tại Biển Đỏ gia tăng làm dấy lên e ngại ngành du lịch bằng tàu biển của thế giới bị ảnh hưởng. Song theo Todd Elliott, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Cruise Vacation Outlet tại Florida (Mỹ), tác động tới các nhà khai thác du lịch là không đáng kể.

"Đây là một phần nhỏ trong tổng thể đội tàu và hành trình kéo dài nhiều năm của họ nên họ sẽ có thể vượt qua điều này một cách dễ dàng", Elliott nhận xét.

Trước đó, 6 trong 10 hãng vận tải container lớn nhất thế giới, gồm Maersk, MSC, Hapag-Lloyd, CMA CGM, ZIM và ONE đã gần như hoàn toàn dừng đi qua Biển Đỏ.

Điều này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, kéo giá sản phẩm lên cao đúng thời điểm cả thế giới đang trong cuộc chiến chống lạm phát. Kênh đào Suez - tuyến đường thủy nối châu Á với châu Âu và Mỹ - hiện đóng góp 10-15% thương mại toàn cầu và khoảng 30% khối lượng vận tải biển bằng container của cả thế giới.

Liên quan đến căng thẳng ở Biển Đỏ, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam mới đây cũng yêu cầu Cục Hàng hải làm việc với các hãng tàu, đảm bảo hoạt động cảng thông suốt để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Cước phí vận chuyển hàng từ Việt Nam sang châu Âu, châu Mỹ tăng 60% so với cuối 2023 và 25% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi căng thẳng tại Biển Đỏ leo thang. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt rơi vào thế khó khăn khi cước vận tải tăng vọt, trong khi đơn hàng mới rục rịch có trở lại sau thời gian dài trầm lắng năm ngoái.

Bên cạnh đó, các giải pháp về khai thác hạ tầng hàng hải, hay thủ tục ra - vào cảng, xếp dỡ hàng hóa với tàu hàng container xuất nhập khẩu đi châu Âu, châu Mỹ... cũng được đẩy nhanh.

Cục Hàng hải làm việc với hãng tàu, đề nghị họ duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam và kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá cước, thu phụ phí ngoài giá dịch vụ vận chuyển container theo quy định.

Ngoài tuyến vận chuyển hiện có, Bộ cũng yêu cầu nghiên cứu cơ chế thu hút các hãng vận tải container mở thêm tuyến mới tới Việt Nam.

Diễn biến phức tạp tại khu vực Aden, Biển Đỏ từ cuối năm ngoái khiến các hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, Maersk... tránh đi qua kênh đào Suez, tuyến đường thủy nối châu Á với châu Âu và Mỹ. Việc này buộc các tàu container sẽ phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng (châu Phi), khiến hành trình dài hơn khoảng 40%.

Thay đổi hải trình, các hãng tàu thông báo thu thêm phụ phí cho các tuyến châu Á - châu Âu, đi đến Mỹ và Canada. Hàng đi đường vòng cũng khiến thời gian vận chuyển kéo dài thêm 7-10 ngày, thậm chí 15 ngày, chi phí phát sinh nhiều hơn và hiện tượng thiếu container có thể xảy ra.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), giá cước đi Mỹ, EU tăng vọt những ngày đầu tháng 1, gần 3.000 USD một chuyến đến bờ Tây (Mỹ), tức cao hơn 55-60% so với cuối 2023. Tương tự, cước đi bờ Đông (Mỹ) tăng 50-70%, lên 4.100-4.500 USD.

Riêng cước tàu sang EU gấp 3-4 lần so với cuối năm ngoái, khoảng 4.350 USD-4.450 USD.

Cước vận tải tăng cao tiếp tục kéo dài, gánh nặng sẽ đè lên vai các chuỗi ngành hàng, tức người bán lẫn người mua. Doanh nghiệp cũng đối diện nguy cơ không thể xuất hàng do thời gian vận chuyển tăng.

Anh Minh (theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022