Thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết cá tra năm 2024, tổ chức tại Đồng Tháp, ngày 17/11.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sản lượng cá tra năm 2024 ước đạt 1,6 triệu tấn, tương đương năm trước. Tính đến ngày 15/10, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2023, song mức tăng trưởng không đều do bị sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia và dòng sản phẩm cá thịt trắng khác.

z3964511375665-ab4e7041abffe08-6123-8542-1731816337.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LsprZSTStCX4rPGTN0x_cg

Nhà máy chế biến cá tra tại Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tài

Theo Cục Thủy sản, cá tra Việt Nam chiếm 42% sản lượng cá tra toàn cầu, còn các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh chiếm từ 15-21 %. Cục phân tích sản lượng cá tra Ấn Độ ngày càng tăng song kích cỡ cá rất nhỏ, chủ yếu cung cấp trong nước. Tương tự, Trung Quốc đã nuôi cá tra hơn 7 năm qua, duy trì sản lượng mỗi năm khoảng 1,4 triệu tấn, chủ yếu phục vụ trong nước. Tuy nhiên điều này cũng có nghĩa là họ sẽ giảm nhập khẩu.

Riêng Indonesia, sản lượng không cao nhưng đã xuất khẩu sang thị trường Trung Đông với nhãn hàng riêng và đang tạo uy tín. Ngoài ra, cá tra cũng bị cạnh tranh bởi những loại cá thịt trắng khác như cá rô phi - chiếm 20% thị phần cá thịt trắng toàn cầu và cá tuyết.

Cục Thủy sản khuyến cáo các doanh nghiệp cá tra nên nâng cao về chất lượng, tỷ lệ mạ băng (lớp nước đóng băng trên bề mặt sản phẩm), xây dựng thương hiệu để có giá bán phù hợp. Cục cho biết Thái Lan không ghi nhận trên bản đồ nuôi cá tra nhưng họ xuất khẩu sang Mỹ. Năm 2022, giá của Thái Lan chỉ bằng một nửa cá tra Việt Nam và hai năm sau lại ghi nhận giá cao gấp đôi.

Ngoài việc thị trường bị cạnh tranh, cá tra còn gặp nhiều khó khăn như 70% cá giống bố mẹ không qua chọn lựa, cơ sở sản xuất ương dưỡng cá giống được cấp giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ nhỏ, tỷ lệ sống của cá giống thấp, giá vật tư đầu vào tăng khiến giá thành sản xuất cao.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VSEP), thị phần xuất khẩu cá tra năm nay đang có sự thay đổi so với năm 2023. Cụ thể, Trung Quốc chiếm 29%, giảm 2%, trong khi thị trường Mỹ từ 15% tăng lên 18%. Ngoài hai thị trường chính, nhóm thị trường nhỏ như Brazil, Nhật Bản, Colombia, Nga có tăng trưởng xuất khẩu khá ấn tượng.

Theo đánh giá của VSEP, thị trường Nhật là khó tính đối với cá da trơn nước ngọt nhưng Việt Nam đang thành công với sản phẩm sasimi, một sản phẩm rất tiềm năng.

Ngọc Tài

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022