Nửa đầu năm, tăng trưởng kinh tế (GDP) cả nước đạt 7,52% - mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025. Theo số liệu của cơ quan thống kê, có 42 địa phương trước sáp nhập có tốc độ tăng cao hơn mức bình quân cả nước, trong đó 30 tỉnh, thành ghi nhận GRDP tăng trên 8%.
Top 10 tỉnh thành có tăng trưởng trên 10%, như Bắc Giang, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh... Đa phần trong số này là các tỉnh phía bắc, phát triển mạnh về sản xuất công nghiệp.
Bắc Giang - địa phương với nhiều khu công nghiệp lớn ở miền Bắc - tiếp tục dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là địa phương duy trì được GRDP mức hai chữ số suốt 5 năm qua.
Động lực chính của tỉnh này vẫn đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng, với 17,5% trong nửa đầu năm. Trong đó, ngành chế tạo chiếm tỷ trọng gần 60% GRDP của tỉnh, tăng 18,35%. Dịch vụ cũng ghi nhận tích cực, phục hồi với mức tăng trên 7%.
Sản xuất công nghiệp cũng là "điểm tựa" giúp Quảng Ngãi bứt tốc, vươn lên thứ 2 về tốc độ tăng trưởng từ vị trí 26 trong quý I.
GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh này đạt 12,4%, mức cao nhất cùng kỳ 5 năm. Trong đó, công nghiệp góp 7,31 điểm phần trăm - tiếp tục thể hiện vai trò ngành kinh tế chủ đạo của địa phương. "Công nghiệp bứt phá chủ yếu nhờ 'đôi cánh' dầu và thép", cơ quan thống kê tỉnh Quảng Ngãi lý giải.
Thực tế, hai nhà máy là Lọc dầu Dung Quất và Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất - đóng góp quan trọng cho nguồn thu của Quảng Ngãi nhiều năm qua. Nửa đầu năm nay, Hòa Phát Dung Quất hoạt động 100% công suất, sản lượng tăng 25% so với cùng kỳ. Trong khi, Lọc dầu Dung Quất khép lại 6 tháng với sản lượng cao hơn mục tiêu 16%.
Ngoài ra, một số như sản xuất trang phục, kim loại, sản xuất và phân phối điện, thoát nước và xử lý nước thải - cũng đóng góp tích cực cho kinh tế Quảng Ngãi nửa đầu năm.
Dịch vụ và bất động sản cũng là hai lĩnh vực ghi điểm cho tăng trưởng của Quảng Ngãi. Cụ thể, ngành dịch vụ góp 2,48 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của tỉnh.
Theo báo cáo của Chi cục thống kê tỉnh Quảng Ngãi, doanh thu các tour du lịch lữ hành tăng cao do nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức tham quan, du lịch cho cán bộ, công chức và người lao động trước khi sắp xếp. Tương tự, dịch vụ kinh doanh bất động sản bắt đầu sôi động từ cuối tháng 3, trước thông tin về đề án sáp nhập địa phương và trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi.
Song song đó, sản xuất, thu nhập của người dân tăng kéo theo nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ tăng đã thúc đẩy doanh thu các ngành dịch vụ cao so với cùng kỳ.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi. Ảnh: BSR
Tương tự hai địa phương top đầu, Nam Định và Hải Dương cũng ghi nhận GRDP hai chữ số nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn và tăng trưởng cao. Cụ thể, GRDP của Nam Định ước đạt 12%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo góp mức tăng 22,12%.
GRDP Hải Dương ước đạt 11,49% - vượt kịch bản đề ra - cũng nhờ "trợ lực" gần một nửa từ công nghiệp chế biến, chế tạo - tăng 18,52% trong nửa đầu năm.
Kinh tế của Đà Nẵng đứng thứ 4, đạt 11,36%, dẫn đầu trong nhóm thành phố trực thuộc Trung ương, vượt Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng và Cần Thơ. Đây là địa phương duy nhất trong top 5 có động lực tăng trưởng chính từ du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn - chiếm gần 71% cơ cấu kinh tế của thành phố.
6 tháng đầu năm, du lịch Đà Nẵng phục vụ gần 4 triệu lượt khách lưu trú, một nửa trong số này là khách quốc tế, cao hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong số lý do khiến du khách ưu tiên chọn thành phố biển miền Trung này là điểm đến đầu năm nay nhờ các sự kiện lớn, quy mô được tổ chức. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, một tháng diễn ra vòng loại Lễ hội pháo hoa quốc tế (31/5-30/6), thành phố đón khoảng 1,17 triệu lượt khách du lịch, riêng 5 đêm đầu tiên khoảng 400.000 lượt.
TP HCM và Hà Nội tiếp tục không nằm trong top 30 địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Song các địa phương đầu tàu này vẫn đóng góp lớn vào cơ cấu kinh tế cả nước nửa đầu năm.
Trong đó, TP HCM dẫn đầu về mức đóng góp vào GDP cả nước với 17,78%. GRDP của thành phố nửa đầu năm tăng 7,82%, thấp hơn kịch bản đề ra nhưng là mức tăng cao nhất cùng kỳ từ 2020.
Cơ cấu đóng góp giữa các khu vực gần như tương đồng với TP HCM, trong đó dịch vụ tiếp tục dẫn dắt chính, giúp tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đạt 7,63%. Nhờ đó, Thủ đô đóng góp gần 13% vào GDP của 63 tỉnh, thành phố.
Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng 11,97% trong 6 tháng đầu năm và 12,5% cả năm. Kết quả 6 tháng, GRDP thành phố tăng 11,04%, thấp hơn mục tiêu. Theo báo cáo của Chi cục thống kê Hải Phòng, một trong những nguyên nhân do tình hình thế giới phức tạp, đặc biệt các chính sách thuế của Mỹ và phản ứng của các nước, đã tác động phần nào tới sản xuất công nghiệp - khu vực đóng góp chính vào GRDP của thành phố.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) Hải Phòng ước tăng 15,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành giảm như khai khoáng, sản xuất, phân phối điện.
Từ 1/7, cả nước sắp xếp lại địa giới hành chính, từ 63 tỉnh, thành về còn 34. Cùng với đó, chính quyền hai cấp (tỉnh, xã/phường) cũng được vận hành. Cơ quan thống kê cho biết họ sẽ công bố số liệu GRDP 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sắp xếp địa giới hành chính từ quý III.
Với mô hình 34 địa phương, theo tính toán của Bộ Tài chính, có 17 tỉnh thành sau sáp nhập đạt mức tăng trưởng trên 8% trong nửa đầu năm. Số địa phương có GRDP ở mức hai chữ số là 6 tỉnh thành (mới), gồm Quảng Ngãi, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình và Phú Thọ.
Theo địa bàn hành chính mới, GRDP của một số địa phương lên hạng trong khi số khác thấp đi. Chẳng hạn, TP HCM sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu tính lại mức tăng trưởng GRDP chỉ còn 6,56%.
Để thúc đẩy tăng trưởng, đánh giá sát thực tế các địa phương sau sáp nhập, Bộ Tài chính dự kiến cùng tỉnh, thành trình Chính phủ việc điều chỉnh Nghị quyết 25 về giao mục tiêu GRDP năm 2025 cho 34 địa phương sau sáp nhập.
Phương Dung