Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã ủng hộ đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa của Vietnam Airlines. Theo dự thảo trình lên, dự kiến từ 1/11 đến hết tháng 10 năm sau, mức tối thiểu vé máy bay bằng 20% mức giá tối đa quy định. Tùy từng nhóm đường bay, giá sàn được đề xuất từ 320.000 đồng đến 750.000 đồng một chiều.

Chính sách khung giá tạm thời này, theo Cục Hàng không, nhằm giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho các hãng. Khung này cũng sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam, cũng như xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.

Nếu đề xuất này được thông qua, nhiều hãng hàng không sẽ không thể tung ra các chương trình khuyến mại vé giá rẻ như 0 đồng, 99.000 đồng... Hành khách có thể phải trả chi phí cho vé bay cao hơn. Ví dụ trên đường bay vàng Hà Nội - TP HCM (cự ly khoảng 1.160 km) nếu theo mức giá sàn Cục Hàng không đề xuất, hành khách sẽ phải mất tối thiếu gần 1,3 triệu đồng một vé khứ hồi (chưa gồm thuế, phí khác). Trong khi đó, trong những giai đoạn thấp điểm, dịp khuyến mại hoặc giờ bay xấu trước đây, nhiều hãng bán vé khứ hồi trên đường bay này chỉ từ hơn 1 triệu đồng (đã gồm thuế, phí).

Nhận định đây là một vấn đề có tính tác động lớn, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau trong đó có đánh giá tác động cụ thể, tổ chức làm việc, xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.

noibai-1631165292-1145-1631165361.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4UFjiYjOu9FGPXYkpSpSvQ

Máy bay của các hãng hàng không trong nước phải dừng hoạt động vì dịch đỗ tại sân bay Nội Bài tháng 9/2021. Ảnh: Ngọc Thành

Chia sẻ với VnExpress, TS. Ngô Trí Long (Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính) cho rằng đề xuất áp giá sàn vé máy là phi thị trường, trái luật định về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế này, trong Luật Hàng không (ra sau Luật Giá), thị trường vận tải hàng không có quy định giá trần và giá sàn, nhưng giá sàn quy định bằng 0 đồng, bởi hàng không là "lĩnh vực bán", không phải "lĩnh vực mua". Giá sàn được quy định trong lĩnh vực mua là để doanh nghiệp nắm quyền chi phối không mua dưới giá tối thiểu khiến nhà sản xuất, người tiêu dùng chịu thiệt.

Ông ví dụ lĩnh vực bán như thị trường xăng dầu có những doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm trên 30% thị phần), nhà nước phải quy định giá trần, để doanh nghiệp không bán vượt giá tối đa nhằm đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, còn vẫn đảm bảo cạnh tranh khi không có giá sàn.

Do đó, ông cho rằng đề xuất trên gây tác hại tới người tiêu dùng, cũng như không khuyến khích doanh nghiệp hạ thấp giá bán. Theo ông, nền kinh tế thị trường phải đảm bảo được lợi ích của cả 3 đối tượng gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cũng nhận định áp giá sàn là thiếu tính cạnh tranh, TS Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng giá cả phải do quan hệ cung cầu và do thị trường quyết định. "Đó là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp khi có nhiều nhà cung ứng, người hưởng lợi là khách hàng", ông nói.

Đồng quan điểm, một chuyên gia khác trong lĩnh vực hàng không nhấn mạnh đây có thể ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của thị trường, làm khách hàng mất cơ hội đi hàng không giá rẻ.

"Những năm qua, nhà nước đã có những chính sách tương đối tốt để hỗ trợ các hãng tư nhân, góp phần tạo nên một thị trường phát triển, cạnh tranh sôi động, cũng như giúp nhiều người dân được đi máy bay hơn. Nhà nước nên tiếp tục giám sát, giữ quan điểm khách quan trong việc này", ông nói.

Việc đẩy giá vé lên cao cũng có thể gây trở ngại cho nhu cầu di chuyển, du lịch của người dân, nhất là trong bối cảnh cần kích cầu du lịch sau khi mở cửa trở lại. Chị Hà Thu, chủ phòng vé máy bay ở Cầu Giấy (Hà Nội) lo lắng lượng khách hàng mua vé sẽ giảm, nhất là khi dịch bệnh khiến thu nhập của nhiều người lao động bị ảnh hưởng trầm trọng. "Trong bối cảnh Nhà nước đã yêu cầu nhiều lĩnh vực giảm giá cho người dân, đề xuất áp sàn làm tăng thêm mặt bằng giá vé máy bay là không phù hợp", chủ phòng vé này nói.

Tại châu Âu, lĩnh vực hàng không đang dần phục hồi do tốc độ tiêm chủng nhanh chóng và cũng một phần nhờ vào việc các hãng bán vé giá rẻ hơn. Cuối tháng 8, WSJ dẫn lời Giám đốc điều hành của Ryanair, Michael O’Leary cho biết, họ đang bán rất nhiều ghế giá rẻ để phục hồi thị trường nhanh chóng. Ông cũng thông tin, lượng đặt vé trong thời gian còn lại của năm là "rất lớn".

Tương tự, doanh thu giảm khoảng 20% do giá vé thấp hơn, nhưng công suất của Wizz Air ở mức 103% so với cùng kỳ năm 2019. Hãng đã thuê thêm 400 thành viên phi hành đoàn vào tháng 8 và có kế hoạch tuyển thêm 1.000 người trong 4 tháng tới.

Theo ông Bùi Doãn Nề, trong điều kiện khó khăn do đại dịch, tổn thất của ngành hàng không thế giới lên tới con số hàng trăm tỷ USD, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các doanh nghiệp hàng không Việt Nam với những giải pháp hỗ trợ của nhà nước đang từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua khủng hoảng dịch bệnh, ổn định và trụ vững trước cạnh tranh trong nước và quốc tế. "Để phát triển bền vững các hãng cần chú ý nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh và kích cầu sau khi đại dịch được kiểm soát", TS Bùi Doãn Nề nhấn mạnh.

Theo khảo sát khoảng 4.000 độc giả của VnExpress vào tháng 4, thời điểm đề xuất áp giá sàn vé máy bay được đưa ra, hơn 90% người tham gia trả lời rằng việc áp giá sàn vé để hỗ trợ các hãng bay là không phù hợp. Một số độc giả còn cho rằng đề xuất trên đi ngược quy luật kinh tế thị trường, đẩy thêm khó khăn về phía người tiêu dùng trong lúc cuộc sống, thu nhập cũng sụt giảm vì dịch bệnh.

Anh Tú - Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022