Nằm khuất trong con ngõ nhỏ thuộc khu vực Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), ngôi nhà được xây theo kiểu Pháp cổ của thầy Nguyễn Hồng Minh, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc Dân, như nhà máy cung cấp thực phẩm mini với hệ thống bể cá, vườn rau khép kín. Dưới sân gạch ngay sát cổng, thầy đặt một bể rộng chừng 10 m2, nuôi hàng trăm con cá chép, cá rô. Nguồn nước trong bể được trực tiếp bơm lên, cung cấp cho vườn rau sân thượng thông qua hệ thống tưới ngầm tự động.

photo-0-1549871390675724054783.jpg

Thầy Hồng Minh, 59 tuổi, tâm huyết với việc trồng rau sân thượng.

Hành trình trồng rau sạch của thầy Minh khởi động cách đây 30 năm, khi gia đình thầy sống trong căn nhà mái bằng cấp bốn. Trải qua nhiều lần cải tổ, từ thùng xốp, hộp nhựa... tới nay, khu vườn của thầy là những bồn xi măng kiên cố, được thiết kế phù hợp để chứa lượng đất lớn, đảm bảo chống thấm và thách thức thời gian.

r4-15498715308741046198086.jpg

Phía dưới các bồn cây, thầy Minh cho đặt hệ thống tưới ngầm là các ống nhựa có van cảm ứng - tự động tưới nước theo nhu cầu dựa vào độ khô - ẩm của đất. Hệ thống này hoạt động giống các mạch nước tự nhiên dưới lòng đất, giúp đất tơi xốp, kích thích dễ cây bâm sâu trong quá trình phát triển. Không chỉ hạn chế làm đất trôi màu, hệ thống này tiết kiệm nước, không mất công điều khiển. So với hình thức tưới thủ công và phun sương, theo thầy Minh, tưới ngầm mang nhiều ưu điểm và thích hợp trong các vườn rau của gia đình bận rộn.

r5-1549871530890852721913.jpg

Quan niệm "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" được thầy Minh nhấn mạnh trong mỗi lần chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt. Theo thầy, việc sử dụng phế phẩm sinh hoạt làm phân bón mang nhiều ưu điểm so với bổ sung phân bón vô cơ mua ngoài hàng. "Lạm dụng phân bón vô cơ khiến đất bị ô nhiễm, nhanh bạc màu", thầy Minh chia sẻ. Trên ban công tầng hai, thầy đặt thùng nhựa lớn chứa rác thải hữu cơ đã phân loại. Đồ ăn thừa, vỏ trái cây, lá rau... sau quá trình ủ mục trở thành loại phân bón an toàn và hiệu quả.

r6-1549871530904949496119.jpg

Quy trình trồng rau của thầy Minh gồm ba công đoạn: làm đất, ươm cây, hạ thổ. Các cây nhỏ được thầy trồng trong chậu nhựa, đợi lớn sẽ mang ra bồn đất. Mỗi luống rau được xen kẽ nhiều loại với mục đích tiết kiệm diện tích đồng thời hạn chế cỏ dại phát triển. Một kinh nghiệm thú vị được thầy Minh chia sẻ là trồng các cây có sức sống mãnh liệt như cây càng cua, cây tầm bóp xung quanh các loại rau chính. Rau ăn lá, rau gia vị... từ nhỏ đến lớn đua nhau khiến cỏ dại không có chỗ mọc.

photo-1-15498713906791016953090.jpg

Đất trồng đảm bảo độ ẩm, tơi xốp và màu mỡ dù trải qua nhiều vụ rau.

Cầm thử nắm đất trong các bồn xi măng, cảm nhận rõ độ mềm, xốp và ẩm vừa phải. Bí quyết để giữ nguồn đất tốt sau nhiều mùa trồng rau của thầy Minh là để đất có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục. Thầy không trồng rau tất cả các mùa trong năm mà thường tạm dừng vào cuối đông hoặc vài tháng trước khi xuân tới. Trong số gần chục bồn đất, luôn có một bồn bỏ trống để trồng luân phiên thay vì khai thác sức đất liên tục.

r1-15498715308592035689628.jpg

Vấn đề phòng trừ sâu bệnh không khiến thầy Minh bận tâm bởi vườn rau được trang bị hệ thống lưới sắt. Các tấm lưới bao kín sân thượng, bảo vệ rau khỏi côn trùng gây hại và cản bớt gió trong những ngày mưa bão. Thầy Minh chia sẻ, sử dụng lưới sắt tiện lợi hơn nhà kính bởi thoáng mát và độ bền cao. Những ngày đẹp trời, đứng ngắm vườn và quan sát quang cảnh thành phố là cách "người nông dân sân thượng" giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ giảng dạy.

r2-15498715308641883612185.jpg

Đến thăm gia đình thầy Hồng Minh một ngày giáp Tết, vườn rau đã vơi nhiều bởi những người quen tới lấy về tích trữ ăn dần trong dịp lễ. Các bồn rau còn lại xanh mướt màu xà lách, cải cúc; su hào vừa bằng nắm tay, vài hôm nữa là được thu hoạch. Nhiều loại rau dễ tính, theo mùa và phù hợp sở thích của các thành viên trong gia đình được thầy Minh chọn trồng bởi giúp việc chăm sóc trở nên dễ dàng, tiết kiệm công sức. Nhờ đó, vườn rau xanh tốt cả khi ít được vun xới hay điều kiện thời tiết không thuận lợi.

r3-1549871530870414500069.jpg

Mô hình vườn - ao khép kín của thầy Minh hoạt động hiệu quả trong những ngày ngại đi chợ. Chỉ cần câu cá trong bể, hái rau trên vườn, gia đình thầy có bữa ăn ngon và yên tâm vì toàn nguyên liệu sạch. Không chỉ tự nuôi, trồng thực phẩm, thầy Minh còn tạo nguồn nước đảm bảo bằng hệ thống lọc than hoạt tính. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp được truyền cảm hứng từ ý tưởng "biến ngôi nhà thành nơi an toàn, mang đến cuộc sống thoải mái, tiện lợi" của thầy.

Theo Lam Trà

Ngôi Sao

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022