Gồm những "viên nhộng" bê tông xếp chồng lên nhau một cách ngẫu hứng, Tháp Nakagin Capsule gây tò mò và thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có những ngôi sao như diễn viên Hugh Jackman, Keanu Reeves và đạo diễn Francis Ford Coppola.

Sau gần nửa thế kỷ tọa lạc ở một góc quận Ginza, nó vẫn nổi bật giữa những tòa nhà hiện đại song đối mặt với tương lai vô định.

4589-jpeg-4765-1636442933.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vrAV-mNjG6wb8LCmyczeRg

Tháp Nakagin Capsule (giữa) với diện mạo đặc biệt từng được coi là biểu tượng kiến trúc ở Tokyo. Ảnh: The Guardian

Khi được hoàn thiện vào năm 1972, Nakagin Capsule là ví dụ của phong trào kiến trúc chuyển hóa ở Tokyo, cũng là biểu tượng cho sự phục hồi kinh tế, văn hóa sau chiến tranh của Nhật Bản.

Kiến trúc sư Kisho Kurokawa, người thiết kế công trình, quan niệm một tòa nhà cũng như sinh vật sống, có thể phát triển và thay thế theo thời gian. 13 tầng của Nakagin Capsule được bố trí 140 "viên nhộng" tương đương 140 căn hộ, mục đích làm chỗ ở cho người ngoại ô để họ tiết kiệm thời gian vào thành phố đi làm.

Mỗi "viên nhộng" rộng 10 m2, được trang bị phòng tắm, tivi, radio, điện thoại quay số và cửa sổ tròn lớn để cư dân có thể ngắm đường phố Tokyo. Để đúng tinh thần "coi tòa nhà như sinh vật sống", Kurokawa đề nghị thay thế các "viên nhộng" 25 năm một lần. Tuy nhiên, điều này không xảy ra.

Nakagin Capsule hiện xuống cấp trầm trọng, các "viên nhộng" có nguy cơ rơi xuống người qua đường. Nó cũng không có nước nóng suốt 10 năm nay. Từ tháng 3/2021, khoảng 40 người đã rời khỏi Nakagin Capsule khiến số cư dân tòa tháp nay chỉ còn 20.

sub4-down-9742-1636442933.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=S2Umcy-5vJcMgNrpGy9gnA

Không gian bên trong một "viên nhộng". Ảnh: ArchDaily, The Guardian

Bảo tồn Nakagin Capsule trong tình trạng đó là điều bất khả thi, theo Tatsuyuki Maeda, cư dân kiêm đại diện Dự án Bảo tồn và Tái tạo tòa tháp.

"Chúng tôi muốn các 'viên nhộng' sống sót, dù là trong hình thái khác, để lưu lại bằng chứng về lý tưởng kiến trúc", Maeda 54 tuổi nói. Mười hai năm qua, ông đã mua 15 "viên nhộng", sau đó cho thuê và tổ chức các tour tham quan nhằm gây quỹ bảo tồn tòa nhà.

"Đây không chỉ là nơi con người sống và làm việc. Nó còn truyền cảm hứng cho chúng tôi sáng tạo và đổi mới", Maede giãi bày.

Theo một số báo cáo, giới chức Tokyo dự định phá bỏ Nakagin Capsule vào mùa xuân tới. Kế hoạch thay thế các "viên nhộng" đã bị từ chối bởi chi phí cao, khó khăn hậu cần và lo ngại về lượng amiăng trong tòa nhà. Đặc biệt, công trình không đáp ứng được quy định nghiêm ngặt về khả năng chống động đất.

Tương lai của Nakagin Capsule từng có vẻ được đảm bảo khi một nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý muốn mua toàn bộ tòa tháp. Tuy nhiên, do Covid-19, nhà đầu tư không thể tới Nhật xem tòa nhà trực tiếp nên hủy cuộc đàm phán.

4589-2-jpeg-7650-1636442933.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=i9Nas9BDtf3XgTtL7CvLKg

Nakagin Capsule hiện đã xuống cấp trầm trọng và bị chính quyền từ chối cải tạo do quá tốn kém. Ảnh: The Guardian

Để Nakagin Capsule sống tiếp, Maeda đưa ra ý tưởng tháo rời các "viên nhộng", loại bỏ amiăng rồi đưa chúng tới các viện bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật và các viện nghiên cứu ở cả Nhật lẫn nước ngoài. Đề xuất này phù hợp với triết lý kiến trúc của Kurokawa và được nhiều bảo tàng từ Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ba Lan đề nghị hỗ trợ.

"Tôi luôn nghĩ những 'viên nhộng' sẽ rất phù hợp khi được đặt trên đảo, giữa rừng hoặc dưới đáy biển", Maeda bày tỏ, tiết lộ mình sẽ ở Nakagin cho đến khi số phận của nó được định đoạt.

"Ở Nhật, bạn có thể sống hàng năm trời trong chung cư mà không biết mặt hàng xóm. Còn tại đây, ai cũng thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Chúng tôi thực sự là một cộng đồng", Maeda nói thêm.

Thu Nguyệt (Theo The Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022