Đại đức Thích Minh Sơn (Trụ trì chùa Kim Cổ, Đường Thành, Hà Nội) khuyên rằng, nếu lỡ lễ cầu an online Rằm tháng Giêng, người dân có thể cầu an ở nhà. Người dân có thể dùng sách "Chư kinh Nhật tụng" để tụng kinh Dược sư cầu an cho gia đình và bản thân.
Cầu an là nhu cầu tâm linh của nhiều người. Ảnh: T.G
Lễ cầu an ở nhà cần sắm hoa quả dâng lên ban thờ, tuỳ tâm lòng thành mà dâng nhưng nên đơn giản, không cầu kỳ. Hãy nhất tâm cầu an, bởi "Tâm xuất phật biết", "Linh tại ngã bất linh tại ngã". Có thể mua sớ cầu an (có bán ở các chùa, cửa hàng ở phố Quán Sứ" để ghi tên các thành viên trong nhà đặt lên ban thờ gia đình, rồi hết khóa lễ tự hóa.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Phương (Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương, Trụ trì chủa Sủi – Bắc Ninh), cầu an ở nhà bày hương đăng trà quả theo truyền thống. Với người chưa quy y Phật thì người Việt Nam có văn hóa thờ cúng tổ tiên, Phật thánh... qua đó bày tỏ tâm linh nguyện vọng đều được.
Tinh thần cầu phúc cầu an từ tâm chí thành sẽ mang lại sức mạnh rất lớn, cầu gì cũng thành công. Các sư thầy khuyên mọi người nên cầu an cho mình, người nhà và tất cả mọi người, chứ không chỉ cho riêng ai đó. Mỗi một tâm niệm hỉ xả không chấp, trưởng dưỡng tâm Phật, là gieo hạt giống tốt, hướng cho mọi người đến tâm an lạc, mong mỏi mọi người giải thoát, không còn lầm chấp nữa.
Cuối cùng là Hồi hướng công đức là quay về tâm hướng thiện, phát huy điều lành, "Hướng" cho mọi người làm việc thiện…
Lễ cầu an online ở chùa Sủi.
Điều kiện tiên quyết của nghi thức cầu an có kết quả là người đương sự và gia đình của người đương sự phải có nhận thức đúng đắn về lý nhân quả (ví dụ tai họa đến với gia đình không phải là ngẫu nhiên – mà là kết quả tất yếu đến lúc chín muồi của những hành vi bất thiện trong quá khứ, bởi đời này, hay đời trước ai cũng có nhiều lỗi và sẽ bị gặt quả).
Vì vậy hãy tích cực làm lợi ích cho chúng sinh, gieo trồng phúc đức, an lạc, tín tâm với Phật cho tất cả mọi người... thì những phúc đức đó mới khiến chúng ta được bình an, cởi bỏ oan khiên nghiệp báo. Đồng thời nếu không muốn gặt những "quả" mà trước kia đã "gieo" không tốt thì ngay từ bây giờ phải "gieo" những nhân tốt, gieo phúc đức, chuyển nhân dở thành quả tốt lành - đó mới là ý nghĩa sâu mầu của đạo Phật.
Đầu năm mới mọi người hãy học hạnh hỉ xả của đức Phật Di Lặc để trọn vẹn một năm được bình an. Nếu thành tâm sám hối, bỏ ác theo lành, được chư tăng làm lễ cầu an, tiến hành nghi thức cầu an đúng pháp, tụng kinh, niệm Phật, cầu sự gia hộ của chư Phật, Bồ tát và các thiện thần, đồng thời làm nhiều thiện sự như phóng sinh, bố thí rộng rãi, cúng dường Tam bảo, phát nguyện, hồi hướng công đức... để cho bản thân, gia đình đình tai qua nạn khỏi thì khả năng tiêu tai, giảm tai không phải là không có.
Đạo Phật quý trọng là chữ Tâm, miễn là giữ được tâm thiện, lòng thành, thì nghi thức nào cũng đem lại hiệu quả mong muốn. Còn như tâm đã không thiện, lòng đã không thành, thì nghi thức có rườm rà, tốn kém mấy cũng không có hiệu quả.
Nghi thức cầu an ở nhà nên đơn giản, không kéo dài, quan trọng là người đương sự và gia đình thành tâm sám hối, bỏ ác, làm lành. Lễ Phật thì tin nhân quả, nên cầu an ở nhà xong thì cũng phải áp dụng vào đời sống là tu sửa thân khẩu ý, trên cúng dường chư Phật, chư tăng, dưới phóng sinh, bố thí… là cách tạo phúc, là cách chuyển nghiệp "đức năng thắng số"...
Dù cầu an ở chùa hay ở nhà thì lễ xong bản thân người cầu an phải tâm niệm và lòng thành khấn nguyện.
Uyển Hương