Những bức tường cong và những khoảng trống hình tròn đã tạo ra kiến trúc hình học “khác thường” tại Trung tâm đổi mới đại học ở Chile. Đây là những sáng tạo bởi studio kiến trúc Pezo von Ellrichshausen.
Thông tin công trình:
- Tên công trình: INES
- Vị trí: Concepcion, Chile
- Thiết kế: Mauricio Pezo và Sofia von Ellrichshausen
INES tọa lạc tại Đại học Bío-Bío (thành phố Concepcion, Chile), được thiết kế để truyền đến mọi người nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và trí tưởng tượng.
KTS Mauricio Pezo và Sofia von Ellrichshausen chia sẻ, khi thiết kế công trình, họ đã hy vọng cho tất cả thấy được một tòa nhà nhiều tầng đơn giản có thể trở nên phức tạp về mặt không gian như thế nào.
Ở trung tâm mỗi sàn là một lỗ tròn lớn, tạo thành 1 tầm nhìn thẳng đứng xuyên suốt cả toà nhà. Những nét tròn ấn tượng còn được thiết kế cho những bức tường. Theo đó ở mỗi sàn của công trình đều được bố trí 4 bức tường cong tại 4 góc, đường cong khuyết vào trong tạo thành các gian phòng khép kín.
6 tầng của công trình cũng được thiết kế khác nhau với tỷ lệ các vòng tròn thay đổi dần từ tầng này sang tầng khác.
Công trình còn gây ấn tượng mạnh bởi tính chất đồng nhất: Toàn bộ tòa nhà được làm từ bê tông màu đỏ cả bên trong và bên ngoài.
KTS Pezo và Von Ellrichshausen cho biết: “Đây là một tòa nhà nhìn bên ngoài có vẻ đơn giản, ổn định nhưng lại chứa đựng nội thất phóng đại và bất ngờ.
Toà nhà là thế giới của sự đổi mới, một không gian liên tục, linh hoạt và rộng mở giúp chuyển đổi khái niệm vật lý các quá trình sáng tạo trong thực hành học thuật“.
Tòa nhà chứa nhiều không gian khác nhau. Mỗi tầng đều có không gian làm việc mở riêng, được thiết kế nhằm phục vụ các hoạt động hội, nhóm. Nhờ lỗ tròn trống ở trung tâm, các không gian làm việc này đều được kết nối trực quan.
Các phòng ở góc mỗi sàn đều được lót bằng gỗ sồi, có cửa sổ nhìn ra ít nhất 2 hướng khác nhua. Những phòng này có diện tích bằng nhau, có thể được sử dụng cho nhiều chức năng khác nhau như hội họp, triển lãm, hội thảo hoặc đơn giản là để lưu trữ.
Nhìn từ mặt tiền, mỗi tấm sàn bê tông của công trình đều nhô ra ngoài, vượt khỏi bức tường kính. Tại những phần bê tông nhô ra này đều được trổ các lỗ hở hình bán nguyệt, bố trí thẳng hàng nhau theo đường chéo.
Mỗi lỗ bán nguyệt đều được định vị vô cùng cẩn thận, tính toán kỹ lưỡng để cho phép ánh sáng mặt trời chiếu qua và đi sâu vào trung tâm tòa nhà mà vẫn đảm bảo các phòng góc đều được che nắng đầy đủ.
“Phần mở rộng kỳ ảo này đặc biệt có thể nhìn thấy vào lúc hoàng hôn, mang sự sáng tạo đến những người có mặt tại toà nhà này“, các KTSchia sẻ.
Xem thêm hình ảnh tại đây:
Biên dịch | H.N (Nguồn: Dezeen)
XEM THÊM:
- Khi nào kiến trúc lịch sử cần được bảo tồn?
- Làm thế nào để “đọc hiểu” kiến trúc
- Tìm hiểu các nhóm thiết kế kiến trúc cấp tiến của những năm 60 và 70 – Thời kỳ hỗn loạn của thế giới